Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch cắt giảm chi tiêu của nước này tại nước ngoài, qua đó gián tiếp làm tăng vị thế của Trung Quốc từ đầu tư thương mại cho đến đấu tranh bảo vệ môi trường. Thậm chí tờ The South China Morning Post còn cho rằng Trung Quốc có thể trở thành quốc gia làm từ thiện lớn nhất thế giới khi Mỹ rút dần các khoản đầu tư.
Tuy nhiên, số liệu của AidData cho thấy dù chính quyền Bắc Kinh chi tiêu khá nhiều tiền ra nước ngoài trong khoảng 2000-2014 nhưng số tiền này không phải để làm từ thiện.
Trung Quốc đã chi tới 350 tỷ USD cho 140 vùng lãnh thổ và quốc gia trong khoảng 2000-2014 nhưng chúng không được xếp vào loại đầu tư tài trợ hay hỗ trợ theo định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Tổng vốn đầu tư ưu đãi ra nước ngoài và những khoản vốn “ưu đãi” theo đúng nghãi của OECD (tỷ USD)
Theo OECD, một khoản đầu tư mang tính hỗ trợ và từ thiện phải có mục đích phát triển cụ thể, hoặc nâng cấp một thứ gì đó ở một quốc gia. Khoản tiền này không được đem lại lợi nhuận cho nước đầu tư và ít nhất 25% khoản tiền phải được xem như là “tặng không”.
Nếu xét theo phương diện nay, Trung Quốc khó lòng vượt qua được Mỹ bởi những khoản đầu tư hay cho vay của chính quyền Bắc Kinh thường đi kèm với nhiều điều kiện. Ví dụ như các dự án nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc phải mua nguyên vật liệu hoặc đồng ý cho các doanh nghiệp nước này trúng thầu, qua đó gia tăng lợi nhuận cho họ.
Nói một cách đơn giản, những khoản vay ưu đãi của Trung Quốc không khác gì một khoản tín dụng để các quốc gia quay lại mua hàng hay gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nước này. So sánh về mảng này, những khoản đầu tư ưu đãi của Mỹ mới được xem là hỗ trợ chính thức.
Theo Thời Đại