Tác giả người tây bàn về giới startup Việt Nam: Đất nước các bạn sẽ vượt xa dự đoán hiện tại, nếu làm được 4 điều này cho các khởi nghiệp trẻ

Dưới đây là trích đoạn từ cuốn sách Startup Vietnam: Sự đổi mới và tinh thần làm chủ trong xã hội chủ nghĩa của tác giả Andrew Rowan.


Ảnh minh họa

Hiện nay Việt Nam chưa phải là một quốc gia có vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên đây sẽ là một đất nước có tiềm năng tạo được dấu ấn trên thế giới.

Nguồn lực lớn nhất của đất nước này, chính là con người, chính điều này giúp cho Việt Nam thu hút các doanh nghiệp quốc tế trở thành một trong những quốc gia có nhân công giá rẻ. Tuy nhiên nhân công giá rẻ hiện nay đang đứng trước nguy cơ mất việc do năng suất lao động không đủ cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra cách mới để tạo nên giá trị gia tăng, thúc đẩy chuỗi giá trị trong và ngoài nước để duy trì sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Liệu dựa vào tầm nhìn và những cam kết của giới doanh nghiệp và các lãnh đạo, Việt Nam có làm nên sự thay đổi lớn.

Giáo dục quốc tế cho giới trẻ

Giới trẻ sẽ là thế hệ tiếp thu những kinh nghiệm giáo dục quốc tế, những cải tiến về khoa học công nghệ, kinh tế kỹ thuật và những xu hướng văn hóa mới từ các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Hiện nay, có tới hơn 130.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở nước ngoài (chủ yếu là ở Nhật Bản và Úc) với chi phí chung lên đến hơn 1 tỷ USD.

Những người Việt trẻ này hứa hẹn sẽ là một trong những nguồn lực giúp thay đổi tương lai Việt Nam. Vì họ vừa hiểu được tiềm lực và vị thế của đất nước vừa hiểu được những nhu cầu, sự chuyển đổi liên tục của thế giới.

Một quốc gia có nhiều kỹ sư

Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm. Đây có thể sẽ là một trong những lý do giúp các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn để cạnh tranh với các cường quốc kinh tế trên thế giới.

Theo một tóm tắt chính sách năm 2015 của Viện chính sách tiến bộ Mỹ (PPI), những kỹ sư này sẽ là nguồn lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng theo các chuyên gia PPI, Việt Nam được coi là “một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á (bao gồm cả Singapore, Indonesia, Malaysia, và Philippines)”.

Là một đất nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh

Theo báo cáo gần đây nhất của PwC xác định Việt Nam là một trong ba nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương (cùng với Ấn Độ và Bangladesh) từ giữa năm 2017 cho tới năm 2050. Đến năm 2030, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng GDP nhanh nhất, GDP Việt Nam xếp thứ 29 với 1.3 tỷ USD (dựa trên lý thuyết kinh tế ngang giá sức mua).

Hơn nữa, theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2017 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) nghiên cứu đã công bố Việt Nam xếp hạng 47 trong số 127 quốc gia (đứng thứ 3 trong khối ASEAN, sau Singapore và Malaysia), với chỉ số 38,3.

Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia có mức độ gia tăng dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2015, thành phố Hồ Chí Minh có dân số là 7,3 triệu người, là thành phố lớn thứ tư ở Đông Nam Á sau Manila, Jakarta và Bangkok. Và dân số được dự đoán sẽ tăng lên 9,2 triệu vào năm 2025.

Theo triển vọng Đô thị hóa Thế giới của Liên hợp quốc, Hà Nội cũng dự kiến sẽ tăng dân số từ 3,6 triệu người năm 2015 lên 5 triệu người vào năm 2025. Các thành phố khác ở Việt Nam như Cần Thơ, Biên Hòa, Hải Phòng và Đà Nẵng cũng sẽ có mục tiêu gia tăng dân số trước năm 2025.

Nhu cầu sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao

Dưới đây là một số thống kê thú vị:

– Trong năm 2014, chỉ có 41% số điện thoại di động được nhập khẩu vào Việt Nam là smartphone. Nhưng đến năm 2016, con số đó đã tăng lên tới 67%.

– Hiện nay, có hơn 60% dân số Việt Nam đang online.

– Đến năm 2015, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng internet nhiều nhất Đông Nam Á.

– Khoảng 1/3 dân số truy cập internet qua smartphone và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

– Dự kiến trước năm 2020 Việt Nam sẽ phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số trên cả nước.

Lời kết

Trong tương lai, với sự đổi mới sáng tạo trong các mô hình kinh doanh như công nghệ blockchain sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tạo ra những bước nhảy vọt .

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), một lĩnh vực khởi nghiệp mới đang hứa hẹn sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới. Nó cho phép những người có thu nhập thấp có thể đầu tư vào các công nghệ mới với tất cả các dịch vụ từ thanh toán, cho vay trực tuyến đến tiền tệ số và chuyển khoản liên quốc gia.

Việc tập trung vào sự kết hợp phát triển tài chính với cải cách, đầu tư giáo dục, đổi mới tư duy và các điều kiện có sẵn có thể sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, thậm chí vượt xa so với những dự đoán hiện nay.

Theo Trí Thức Trẻ