Ba câu hỏi kinh điển khiến ứng viên đau đầu nhất khi đi phỏng vấn

Hầu hết các ứng viên khi đi phỏng vấn xin việc đều lúng túng trước những câu hỏi “khó đỡ” của nhà tuyển dụng. Cách bạn ứng xử, trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng sẽ quyết định khả năng trúng tuyển.


Ảnh minh họa

Trang tuyển dụng của Anh Totaljob tiến hành khảo sát đối với 6000 ứng viên tìm việc làm, 1/3 trong số đó khi phỏng vấn thiếu mất sự tự tin, thậm chí là quên hết những gì chuẩn bị. Có quá nửa số ứng viên đi phỏng vấn đều cảm thấy rất căng thẳng và họ đều cảm thấy lo sợ nếu gặp phải ba câu hỏi kinh điển dưới đây:

Vì sao chúng tôi nên chọn bạn?

Câu hỏi này là để thăm dò ứng viên có phải là người thẳng thắn, chính trực hay không và ứng viên cũng có thể phán đoán được nhà tuyển dụng có phải đang tìm người như vậy hay không.

Hãy nói cho chúng tôi biết điều gì đó liên quan đến bạn?

Câu hỏi này rất mông lung, phạm vi trả lời rất rộng, câu trả lời có thể lấy từ khi bạn sinh ra cho đến hiện tại, cũng có thể kể về một giai đoạn trong cuộc đời bạn. Câu hỏi này nhằm mục đích xem khả năng chọn lọc và tóm tắt của ứng viên. Một ứng viên thông minh sẽ đưa ra câu trả lời ngắn gọn nhưng lại thể hiện được những khả năng nổi trội của bản thân trong công việc. Câu trả lời nên là những đặc điểm cá nhân hay trải nghiệm của bạn liên quan đến khả năng làm việc, sự phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

Đây là một câu hỏi rất khỏ để trả lời. Ứng viên hiển nhiên là không muốn cho nhà tuyển dụng biết điểm yếu của mình nhưng cũng không thể khoa trương rằng tôi toàn diện. Câu hỏi này nhằm đánh giá mức độ thành thật và mức độ nhận thức của ứng viên về trình độ thực sự của bản thân.

Ý nghĩa thực sự của câu hỏi này là nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem điểm yếu nào cản trở bạn nhiều nhất trong công việc cũng như quá trình thích nghi với văn hóa công ty và công việc. Nhà tuyển dụng sẽ rất hứng thú lắng nghe cách bạn giải quyết những yếu điểm của chính mình. Vì vậy đây chính là lúc để bạn thể hiện sự trung thực của bạn nhưng nên nhớ là chỉ ở một mức độ nhất định thôi. Hãy chắc chắn rằng những điểm yếu mà bạn sắp sửa nói ra không làm hủy đi cơ hội tuyển dụng của bạn.

Ngoài ra, trang Totaljob cũng liệt kê ra được một số câu hỏi “khó đỡ” khác mà các nhà tuyển dụng từng sử dụng nhằm mục đích tham khảo cho các ứng viên, hãy xem và suy nghĩ nên trả lời như thế nào:

1. Nếu như có tận thế bạn sẽ làm gì?

2. Hãy kể một câu chuyện cười.

3. Nếu như trúng xổ số bạn sẽ làm gì với số tiền đó?

4. Bạn muốn có siêu năng lực nào?

5. Nếu như bạn có một ngày làm giám đốc, điều đầu tiên bạn sẽ làm là gì?

Ngoài những câu hỏi trên đây, các chuyên gia còn kiến nghị trong khi chuẩn bị đáp án, các ứng viên nên chú ý đến thời gian. Ví dụ có nhà tuyển dụng cho bạn năm phút, nhưng cũng có người chỉ cho bạn ba phút, thậm chí là một phút để nói về câu chuyện của mình. Cho dù câu chuyện có dài hay ngắn, nếu thời gian không phù hợp đều có thể ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn. Cho nên, tốt nhất nên chuẩn bị các trường hợp có thể xảy ra để khi nhà tuyển dụng có đưa ra yêu cầu thế nào, bạn đều có thể tùy cơ ứng biến.

Theo Nhịp sống kinh tế