Nhiều người nói về cuộc cách mạng 4.0, tuy nhiên mấy ai biết rằng đằng sau nó chính là 3 công nghệ đang thay đổi thế giới trong từng giây từng phút này!

Tại buổi hội thảo về phát triển thành phố thông minh và xây dựng Chính quyền điện tử tại Lào Cai, 2 vị chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước đã giải thích đâu thực sự là những công nghệ đứng đằng sau ‘buzz word’ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.


Ảnh minh họa

‘Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4’ là một danh từ được nhắc nhiều trên các mặt báo nhiều tháng nay, với đủ các sắc thái cảm xúc lo lắng, háo hức hay kỳ vọng. Thế nhưng nội hàm của ‘cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4’ là gì thì có lẽ vẫn chưa được nhiều bài báo, lời phát biểu hay chỉ thị nào làm rõ.

Hôm nay, tại buổi hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam lần thứ XXI diễn ra tại tỉnh Lào Cai, 2 chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước là Thạc sỹ Phạm Xuân Hòe và Thạc sỹ Lê Phú Lộc đã có bài tham luận giải thích đâu những công nghệ thực sự đứng đằng sau cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ báo cáo của hai vị Thạc sỹ đề cập, cuộc cách mạng 4.0 sẽ có nền tảng đến từ 3 công nghệ đặc trưng nhất bao gồm điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data) và chuỗi khối ̣̣(blockchain).

Nếu như một chiếc kiềng có thể trở nên vững chắc nhờ 3 chân thì có thể nói cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 này có cơ sở chính đến từ 3 công nghệ này. Theo hai vị thạc sỹ, các công nghệ này đang và sẽ trở thành là những xu hướng tiên tiến nhất của nền công nghệ thế giới. Nhờ đó, chúng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đón đầu sóng 4.0 của Việt Nam.

1. Điện toán đám mây (cloud computing)

Điện toán đám mây hiểu đơn giản là tất cả các dữ liệu đều có thể được lưu trữ trong các ‘đám mây’. Tất cả mọi người đều có thể lưu trữ những tài liệu, thông tin, nền tảng của mình trên nền tảng ‘đám mây’ – một cách lưu trữ thông tin mới.

Về định nghĩa, đây là mô hình cung cấp các tài nguyên máy tính dưới dạng dịch vụ qua môi trường mạng. Nó đưa ra các giải pháp điện toán dựa trên Internet mà ở đó cung cấp tài nguyên chia sẻ giống như một dòng điện được phân phối trên lưới điện.

Các máy tính “trên mây” sẽ được cấu hình để làm việc cùng nhau, các ứng dụng khác nhau sử dụng sức mạnh điện toán tập hợp như thể chúng đang chạy trên cùng một hệ thống duy nhất. Với công nghệ này, bất kỳ ứng dụng hay dịch vụ máy tính nào cũng đều có thể được cung cấp qua mạng hay Internet, với phần mềm tối thiểu mà không cần phần mềm cục bộ.

Công nghệ đám mây này tạo điều kiện cho sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ dựa trên Internet, từ tìm kiếm phương tiện truyền thông đến lưu trữ ngoại tuyến dữ liệu cá nhân, cũng như khả năng xử lý nền cho phép các thiết bị Internet di động thực hiện những việc như trả lời các lệnh bằng giọng nói để hỏi đường.

Công nghệ đám mây là một yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo báo cáo của McKinsey thì những loại công nghệ đám mây sẽ làm thay đổi cuộc sống, kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu. Đến năm 2025 công nghệ này sẽ đạt doanh thu từ 1,7 đến 6,2 nghìn tỷ USD/năm trên qui mô toàn cầu.

2. Dữ liệu lớn (big data)

Dữ liệu lớn là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được. Dữ liệu rất lớn này đặt ra các thách thức phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư. Big Data có thể làm được điều đó.

Dữ liệu lớn đề cập đến xu hướng công nghệ thông tin và truyền thông về xử lý lượng dữ liệu khổng lồ để có được dữ liệu thích hợp cho việc ra quyết định nhanh chóng để tăng năng suất.

Theo Cơ quan thương mại và đầu tư Đức dự báo tổng nguồn dữ liệu kỹ thuật số sẽ tăng trưởng lên đến 44 zettabyte (40 nghìn tỷ gigabyte) vào năm 2020. Dữ liệu hệ thống trong công nghệ internet kết nối vạn vật cũng được kỳ vọng tăng trưởng từ chỉ 2% trong tổng dữ liệu kỹ thuật số năm 2013 lên khoảng 10% vào năm 2020.

3. Chuỗi khối (blockchain)

Blockchain là một cơ sở dữ liệu được phân cấp, lưu trữ thông tin trong các khối được liên kết với nhau và được mở rộng liên tục theo thời gian.

Về bản chất công nghệ, blockchain là một loại sổ cái phân phối (distributed ledger), bao gồm các thông tin được ghi lại bằng kỹ thuật số và không thể thay đổi được đưa vào trong các gói gọi là là khối (thay vì kết hợp chúng trên từng tờ giấy riêng lẻ).

Mỗi khối thông tin chứa đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó bằng một mật mã. Điều này cho phép các chuỗi khối được sử dụng như là một cuốn sổ cái, trong đó thông được truy cập và chia sẻ bởi bất cứ ai có quyền truy cập trong khối chuỗi đó.

Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được ghi thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Blockchain được đảm bảo nhờ cách thiết kế sử dụng hệ thống tính toán phân cấp với khả năng chịu lỗi cao.

Vì vậy,đây là phương thức giao dịch có khả năng chia sẻ, lập trình trên nền tảng, và mã hóa rất an toàn, giúp tạo ra sự tin tưởng.rằng các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu, ví dụ như những vụ hacking trong các ngân hàng, sẽ bị xóa bỏ.

Blockchain có thể được coi là một trong các nền tảng công nghệ để các quốc gia cũng như các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong cuộc đua 4.0 bởi hai lý do chính sau.

Thứ nhất, blockchain tạo dựng lòng tin do tính giải trình và minh bạch cao. Blockchain tạo nên một thế hệ mới của các ứng dụng trong giao dịch, cho phép dữ liệu được lưu trữ một cách liên tục, bảo mật và “cứng nhắc” đủ để chống lại việc giả mạo và sửa đổi thông tin.

Thứ hai, công nghệ blockchain có tiềm năng giúp giảm thiểu đáng kể chi phí và sự phức tạp của các hoạt động kinh doanh. Với đặc tính là một cuốn sổ cái phân phối, blockchain giúp cho việc kinh doanh hiệu quả hơn về mặt chi phí, tiết kiệm thời gian giao dịch hơn khi mọi thứ trong qui trình được kiểm tra và giao thương mà không đòi hỏi phải có một điểm kiểm soát trung tâm hay những trung gian kiểm soát trong toàn bộ qui trình.

Theo Trí Thức Trẻ