Ước tính có tới 250 triệu trẻ em trên thế giới không biết đọc, biết viết hay làm những phép tính cơ bản. Tổ chức UNESCO đưa ra một con số đáng sợ khác: thế giới sẽ cần thêm 1,6 triệu giáo viên mới, và có lẽ vào năm 2030, phải cần gấp đôi con số ấy để trẻ em toàn cầu có thể được tiếp cận với giáo dục. Nhưng hiện tại, những đứa trẻ ấy có một vị cứu tinh tuyệt vời khác, đó là Elon Musk.
Ông vừa đầu tư 15 triệu USD vào tổ chức XPRIZE, với mục đích phát triển những phương pháp giáo dục cho 250 triệu trẻ mù chữ trên toàn thế giới. Ông muốn giúp những em bé ấy biết đọc, biết viết và biết làm toán trong vòng 15 tháng.
Mới đây, XPRIZE công bố 5 giải thưởng dành cho 5 tổ chức có những cống hiến tiên tiến nhất trong dự án Học Toàn cầu XPRIZE – Global Learning XPRIZE và mỗi bên sẽ nhận được 1 triệu USD tiền thưởng. Những cống hiến của họ bao gồm các phần mềm mã nguồn mở tiên tiến nhất, hiện đại nhất nhằm giúp xóa mù chữ. Họ sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống của mình vào tháng Mười Một tới tại Tanzania.
“Mục đích chính của XPRIZE là tạo ra một hệ thống giáo dục mà ai cũng có thể tham gia được, và chúng tôi vô cùng tự hào khi đem tới được cho các bạn 5 đội ngũ sẽ thay đổi thế giới, đảm bảo mỗi đứa trẻ đều có cơ hội được tự học”, Marcus Shingles, CEO của Tổ chức XPRIZE cho hay.
“Những giải pháp có được sau cuộc thi này sẽ là chìa khóa để giúp trẻ mù chữ được học hành, cho các em một cách tiếp cận với giáo dục”.
Đây là danh sách 5 trong tổng số 198 công ty tham gia cuộc thi, được chọn bởi 11 chuyên gia thuộc XPRIZE:
– CCI (New York, Mỹ) phát triển một chương trình tạo cấu trúc hướng dẫn học theo một dãy chu trình sẵn có, cho phép cả người không biết code cũng có thể tạo ra những nội dung học ở bất kì ngôn ngữ nào, môn học gì.
– Chimple (từ Bangalore, Ấn Độ) phát triển một nền tảng học nhắm tới việc dạy kĩ năng đọc, viết và làm toán trên một máy tỉnh bảng nhỏ. Các bài học sẽ được truyền đạt thông qua 60 game nhỏ và 70 câu chuyện kể.
– Kitkit School (từ Berkeley, Mỹ) phát triển một chương trình học với trọng tâm là một trò chơi, rẽ nhánh thành một cấu trúc dạy học linh hoạt, nhắm tới việc giúp trẻ tự học mà không yêu cầu quá nhiều kĩ năng, hiểu biết hay yếu tố môi trường.
– onebillion (kết hợp bởi Anh Quốc, Malawi và Tanzinia) kết hợp yếu tố toán học với yếu tố văn học, tạo ra một chu trình giảng dạy sáng tạo, phản ứng với từng nhu cầu khác nhau của học sinh.
– RoboTutor (từ Pittsburgh, Mỹ) dựa trên nghiên cứu về giảng dạy cách đọc và làm toán từ Đại học Carnegie Mellon, nhằm vào nhận dạng giọng nói, machine learning, khai thác dữ liệu giáo dục, tâm lý nhận thức và tương tác giữa người và máy tính.
“Năm người đoạt giải đều phát triển nên những phần mềm cực kì hứa hẹn, giúp trẻ tự học cách đọc, viết và làm toán cơ bản”, Matt Keller, giám đốc cấp cao của chương trình Học Toàn cầu XPRIZE cho hay. Khi mang những sản phẩm này ra thực địa, ta sẽ thực sự thấy được chúng có ích như thế nào. Giáo dục không phải là của riêng ai.
Dự kiến 4.000 trẻ từ 150 ngôi làng vùng Tanga, Tanzania sẽ sử dụng 8.000 chiếc máy tính bảng Pixel C từ Google quyên góp để tiếp cận với giáo dục. Dự kiến, chương trình sẽ kéo dài trong 15 tháng.
Khi việc thực nghiệm kết thúc, đội ngũ nào có được hiệu quả tốt nhất sẽ giành được giải thưởng cao nhất trị giá 10 triệu USD, kết quả sẽ được công bố vào tháng tư Năm 2019. Toàn bộ năm đội ngũ tham gia sẽ công bố toàn bộ nghiên cứu và những nội dung họ xây dựng được để bất kì ai trong cộng đồng cũng có thể tự phát triển một chương trình dạy học.
Giải thưởng không phải là điều quan trọng, mà đó chính là việc xóa mù chữ cho những đứa trẻ tại những vùng khó khăn. Lại một ứng dụng của công nghệ khác khiến chúng ta không thể không vui mừng.
Theo Trí Thức Trẻ