Một loạt “trùm” tài chính, tỷ phú thế giới từ Warren Buffett, Jamie Dimon (CEO ngân hàng JPMorgan Chase), cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, trùm đầu cơ Ray Dalio đến tỷ phú Bill Gates và những nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel như Paul Krugman hay Robert Shiller đều nói về đồng tiền số này với không ít quan điểm trái ngược nhau.
Đối với 1 loại tài sản đầu tư quá mới mẻ như bitcoin, chỉ thực tế mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất, nhưng trên đường đi tìm những manh mối gợi ý cho câu hỏi này, ta sẽ tìm thấy 1 góc khác của bitcoin nếu xem xét nó dưới lăng kính công nghệ. Dù bitcoin có thể thực sự thay thế hệ thống tiền tệ chính thống do các NHTW đang kiểm soát hay không, đó là một bước tiến lớn về công nghệ và chắc chắn công nghệ blockchain đằng sau nó sẽ khiến thế giới này thay đổi mãi mãi!
Ý tưởng về tiền kỹ thuật số, 1 loại tiền thuận tiện, ẩn danh và không chịu sự quản lý của bất kỳ Chính phủ hay ngân hàng nào, luôn là chủ đề nóng xuất hiện ngay từ khi Internet ra đời. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại. Ecash, 1 hệ thống ẩn danh được tung ra đầu những năm 1990 bởi chuyên gia mật mã David Chaum đã thất bại vì phải dựa vào cơ sở hạ tầng sẵn có của Chính phủ và các công ty thẻ tín dụng. Các dự án khác như bit gold, RPOW, b-money đều “chìm xuồng”.
Bitcoin đã đạt được những thành công bước đầu khi được hỗ trợ bởi 1 công nghệ ưu việt hơn, nhưng nó vẫn loay hoay trong việc khẳng định vị thế và chưa được chấp nhận rộng rãi. Thay vào đó, bitcoin lại trở thành thứ mà có lẽ “cha đẻ” của nó không ngờ tới: tài sản đầu cơ có mức giá biến động điên rồ nhất trong lịch sử. Đầu tư vào bitcoin giống như bạn bước lên 1 chuyến tàu lượn siêu tốc và trải qua mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố. Chuyến tàu ấy không dành cho những kẻ yếu tim và nhát gan.
Tháng 8/2011, phóng viên Adrianne Jeffries của tờ The Verge tham dự hội thảo Bitcoin World Conference and Expo lần thứ nhất. Sự kiện được tổ chức tại 1 không gian nhỏ bé, 1 phòng họp nhỏ nằm trên tầng 2 của khách sạn ở Manhattan với vỏn vẹn gần 75 người tham dự, hầu hết là những lập trình viên với mái tóc dài trông khá lập dị và dân nghiền mật mã. Khi đó tổng giá trị của các đồng bitcoin lưu thông trên thị trường là 81 triệu USD.
2 năm sau, hơn 1.000 người xuất hiện tại trung tâm hội nghị San Jose McEnery để tham dự Bitcoin 2013, sự kiện được hậu thuẫn bởi tổ chức phi lợi nhuận Bitcoin Foundation. Bitcoin 2013 diễn ra cả ngày với những bữa tiệc hoành tráng và cả sự tham dự của 2 diễn viên nổi tiếng. Tổng giá trị của các đồng bitcoin đã vượt qua cột mốc 1 tỷ USD.
Và đến thời điểm hiện tại, tức gần 1 thập kỷ sau khi ra đời, quy mô của bitcoin đã lớn hơn rất nhiều. Với giá tăng từ mức gần bằng 0 khi mới ra đời lên mức đỉnh 5.000 USD hôm 1/9 vừa qua, một người đủ thông minh hoặc may mắn để bỏ 1.000 USD mua bitcoin trong tháng 7/2010 (khi giá là 0,05 USD đổi 1 bitcoin), hiện anh ta sẽ có gần 100 triệu USD. Tổng giá trị thị trường của bitcoin đạt 65 tỷ USD.
Tuy nhiên chặng đường ấy không hề dễ dàng. Có lẽ bitcoin chính là loại tài sản “đỏng đảnh” nhất, biến động mạnh nhất trong lịch sử. Gần đây nhất, đồng tiền này ngay lập tức giảm gần 40% sau khi lập đỉnh 5.000 USD, để rồi nhanh chóng trở lại mức 4.000 USD. Khi mà mức phần trăm biến động của các chỉ số chứng khoán hay vàng chỉ lên đến gần mức 2 con số là đã khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo, kể từ đầu năm đến nay giá bitcoin đã tăng gấp 4 lần.
Nhìn vào lịch sử sẽ thấy bitcoin đã có tới 5 lần rung lắc mạnh không kém.
Nguyên nhân của đợt giảm giá nói trên là do nỗi lo ngại về tương lai của đồng tiền số sau sự kiện “ngày phán xử” 1/8 – khi bitcoin tách làm đôi. Kết quả là đồng tiền mới Bitcoin Cash tỏ ra vô hại đối với tương lai của bitcoin và giá lại tiếp tục “nổi điên”, chạm mốc 5.000 USD trước khi rớt thảm vì động thái siết chặt quản lý tiền số của Chính phủ Trung Quốc và những lời cảnh báo của những ông trùm tài chính (mà điển hình là CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase gọi bitcoin là 1 trò lừa đảo).
Phạm vi của blockchain không bó hẹp trong tiền ảo mà là toàn bộ các hoạt động trao đổi của con người, cho phép những người hoàn toàn không quen biết nhau thực hiện giao dịch mà không cần sự chứng thực của bên thứ ba. Nói một cách đơn giản, blockchain giống như 1 cỗ máy sản xuất niềm tin, mọi thứ đã có công nghệ lo.
Blockchain thường được ví như 1 cuốn sổ cái số công khai mà bất cứ ai cũng có thể truy cập vào và kiểm tra nhưng không ai có thể toàn quyền kiểm soát nó. Các thành viên tham gia hệ thống blockchain đều đặn cập nhật thông tin trên sổ cái, nhưng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo họ chỉ có thể sửa đổi thông tin khi đã tuân theo những quy tắc hết sức nghiêm ngặt. Trong công nghệ blockchain của bitcoin, các giao dịch được cập nhật liên tục theo thời gian thực và tránh được việc ghi trùng 2 lần. Đó cũng chính là lý do khiến bitcoin hoàn toàn có thể trở thành 1 loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi mà không cần đến các nghiệp vụ quản lý của NHTW.
Giáo sư Kevin Werbach của trường kinh doanh Wharton (ĐH Pennsylvania) thậm chí cho rằng blockchain còn cho phép con người lập ra những đất nước ảo với những luật lệ của riêng mình. Ra đời từ cuối năm 2014, đến nay, quốc gia ảo Bitnation đã có dân số khoảng 1.500. Bất cứ ai cũng có thể trở thành công dân, được cấp hộ chiếu ảo và còn có thể kết hôn, bất kể quốc tịch ngoài đời của họ. Các “công dân” được mã hóa, các giao dịch được thanh toán bằng tiền ảo.
Georgia, Thụy Điển và Ukraine là những nước đang thử nghiệm công nghệ blockchain để quản lý đất đai.
5 năm nữa liệu bitcoin có giá 100.000 USD như nhận định của lãnh đạo Jihan Wu của Bitman (công ty đào bitcoin lớn nhất thế giới) hay sẽ kết thúc thảm hại hơn cả bong bóng hoa tulip như ông Dimon dự báo? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời. Nhưng mỗi lần nhìn vào đồ thị giá bitcoin, hãy nhớ rằng đằng sau bề nổi với những cơn tăng giá điên cuồng và cú lao dốc khiến nhà đầu tư thót tim của bitcoin là quá trình công nghệ blockchain đang dần hoàn thiện và âm th
Theo trí thức trẻ