Khu mỏ này nằm tại bang Jujuy của Argentina và là 1 trong 2 mỏ chính của cả nước. Năm 2016, mỏ này khai thác được 11.845 tấn lithium carbonate, tương đương 6% sản lượng thế giới. Trong năm nay, họ hướng tới mục tiêu 17.500 tấn.
Với nhu cầu sử dụng Lithium trong ắc quy cho những thiết bị điện tử cũng như mảng xe điện ngày một tăng cao, loại tài nguyên này đang đem về nguồn tài chính lớn cho các nước Châu Mỹ Latinh. Chuyên gia Joe Lowry trong ngành nhận định nhu cầu Lithium có thể tăng gấp 3 từ nay đến năm 2025.
Bên cạnh nhu cầu bùng nổ, việc thiếu nguồn cung cũng đang khiến giá Lithium tăng chóng mặt. Số liệu của Industrial Minerals cho thấy giá Lithium Carbonate và Lithium Hydroxyde đã tăng gấp đôi từ đầu năm đến nay.
49% sản lượng Lithium năm 2015 đến từ Nam Mỹ
Tương tự như dầu mỏ, sức hút của loại tài nguyên mới nổi này đã kích thích một cuộc chạy đua giữa các quốc gia Châu Mỹ Latinh nhằm thu thêm nguồn lợi về cho đất nước. Theo nhiều ước tính, khu vực nằm giữa 3 nước Argentina, Bolivia và Chile là nới chứa đến 54% sản lượng Lithium trên toàn thế giới hiện nay.
Tại Chile, các doanh nghiệp khai thác Lithium có cơ hội bùng nổ sớm khi thị trường nơi đây khá mở cửa và tự do. Trong khi đó, Argentine đi sau nhưng lại đang ráo riết ban hành hàng loạt các quy định ưu đãi để giành lại thị phần. Bolivia thì có trữ lượng Lithium không kèm Argentina những mới chỉ bắt đầu khai thác loại tài nguyên này.
Ngoài Châu Mỹ Latinh, Australia cũng là nước có trữ lượng Lithium lớn nhưng chúng lại nằm trong các mỏ đá, khó khai thác hơn các mỏ cát ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Hơn nữa, các mỏ khai thác tại đây sẽ phải mất công chở đến Trung Quốc để tinh chế. Mặc dù vậy, môi trường đầu tư tốt ở Australia là một lợi thế khá lớn để thu hút nhà đầu tư cho mảng này.
Ngôi vương Chile
Trong nhiều thập niên, Chile đã thống trị ngành khai thác Lithium. Những mỏ khai thác với Lithium nằm trong đất khiến khu vực này trở thành một trong những nơi có chi phí khai thác rẻ nhất thế giới. Dẫu vậy, Chile có một yếu điểm chết người là môi trường đầu tư không thân thiện.
Quốc gia này luôn đứng thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do nạn tham nhũng, cửa quyền và hành chính công yếu.
Sản lượng (tấn), Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI-%GDP), chỉ số môi trường kinh doanh và chỉ số tham nhũng
Bởi vậy, dù có mỏ khai thác Lithium rẻ nhất thế giới với trữ lượng lớn và gần các cảng biển nhưng Chile đang bị Australia đe dọa về vị thế bất chấp nước này khai thác đắt hơn.
Một nguyên nhân nữa khiến Chile chưa quan tâm đến khai thác Lithium là do mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là đồng. May mắn thay, tình hình có lẽ sẽ chuyển biến trong thời gian tới khi giá Lithium tăng chóng mặt trong vài năm qua.
Những quy định vào thập niên 1970-1980 của Chile liệt Lithium vào dạng tài nguyên chiến lược cho việc xây dựng năng lượng hạt nhân trong tương lai. Mặc dù nước này chưa có ý định phát triển loại năng lượng này nhưng nhiều chính trị gia cho rằng Chile nên hạn chế khai thác Lithium để bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện chỉ có 2 công ty là SQM của Chile và Albemarle của Mỹ được phép khai thác Lithium tại đây với giấy phép được cấp từ thập niên 1980 nhưng cả 2 đều bị giới hạn về sản lượng được phép khai thác. Dẫu vậy, chính phủ Chile đang muốn nâng sản lượng Lithium và nhiều công ty đang được mời gọi đầu tư cho mảng này.
Vào tháng 1 vừa qua, hãng quốc doanh Codelco đã kêu gọi đầu tư khai thác ở 2 vùng mỏ giàu Lithium mà công ty sở hữu là Pedernales và Maricunga. Công ty này cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Albemarle nhằm khai thác Lithium.
Trữ lượng Lithium ước tính (triệu tấn)
Theo Corfo, việc nới lỏng hạn ngạch khai thác có thể khiến khu vực mỏ Atacama tăng 4 lần sản lượng lên 350.000 tấn mỗi năm, qua đó đảm bảo vị thế của Chile trên thị trường Lithium. Nhờ những dòng tiền từ xuất khẩu Lithium, Chile có thể đầu tư ngược trở lại cơ sở hạ tầng trong nước.
Tuy vậy, hãng SQM cho rằng tiến trình nới lỏng hạn ngạch của Chile còn quá chậm và hãng đã phải quay sang tìm kiếm nguồn khai thác từ Argentina.
Kẻ đến sau Argentina
Quyết định trên là một bước đi mạo hiểm của SQM khi Argentina không phải là một thị trường thân thiện với doanh nghiệp. Việc chính phủ kiểm soát tỷ giá, tăng mạnh thuế xuất khẩu cũng như kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu khiến môi trường đầu tư kinh doanh tại đây trở nên khó khăn.
Theo hãng khai thác Advantage Lithium của Canada, các doanh nghiệp sẽ phải mất hàng tháng trời để xin phép cục thuế, rồi ngân hàng trung ương để có thể mua và nhập khẩu máy móc khai thác vào đây.
Tồi tệ hơn, cơ cấu quản lý của chính quyền địa phương không hiệu quả và do họ là những người kiểm soát các mỏ quặng nên công ty sẽ phải tìm các cách khác nhau, thậm chí hối lộ để có thể đi vào hoạt động tại Argentina. Đó là chưa kể tình trạng chính quyền địa phương thường xuyên can thiệp vào hoạt động của các khu mỏ, khiến nhà đầu tư nản lỏng.
Giá Lithium tăng mạnh do bùng nổ xe điện
Mới đây, công ty JEMSE được thành lập bởi chính quyền tỉnh Jujuy đã yêu cầu 20% cổ phần để đổi lại khoản vay vốn ưu đãi cho hãng Sales de Jujuy, một động thái mà nhiều chuyên gia cho là mang nhiều tính toán.
Mặc dù vậy, Tổng thống Argentina, ông Mauricio Macri đang cố gắng giảm bớt các rào cản để thu hút thêm đầu tư, bao gồm cả ngành khai thác Lithium. Chính phủ của ông Macri đang cố gắng dỡ bỏ việc kiểm soát tỷ giá cũng như thuế xuất khẩu. Quyết tâm của chính phủ đã ảnh hưởng đến các địa phương khi thủ tục hành chính giờ đây đã bớt chậm hơn trước.
Ngoài ra, chính phủ Argentina cũng đang thống nhất các quy định cũng như mức thuế, phí phải trả tại các địa phương nhằm chấm dứt tình trạng quản lý tự do, lỏng lẻo ở các khu vực. Tổng thống Macri cũng tuyên bố muốn nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tồi tệ của Argentina nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, dù nhiệm vụ này sẽ cần khá nhiều thời gian.
Những động thái tích cực của chính phủ đã bước đầu đem lại hiệu quả. Năm 2016, ngành Lithium đã thu hút được 1,5 tỷ USD còn sản lượng tăng gần 60% tại Argentina. Quốc gia này dự kiến tăng sản lượng khai thác Lithium lên 145.000 tấn vào năm 2022.
Bolivia: Đối thủ tiềm năng
Mặc dù có nguồn tài nguyên Lithium không kém Argentina nhưng Bolivia lại chưa phát triển được nhiều trong ngành khai thác này. Theo ASD, môi trường kinh doanh của Bolivia khá kém với hệ thống luật pháp nhiều lỗ hổng, hành pháp yếu, tham nhũng tràn lan và không mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ của Tổng thống Bolivia Evo Morales từ năm 2006 đã ban hành hàng loạt các quy định giới hạn đầu tư với các dòng vốn quốc tế, quốc hữu hóa những nhà máy lọc dầu, viễn thông và sản xuất điện.
Thậm chí, chính phủ nước này có những rào cản với ngành Lithium còn chặt chẽ hơn so với mảng dầu khí, nguồn xuất khẩu chủ yếu của Bolivia. Trong khi công ty dầu khí quốc doanh YPFB ít nhất có thể tham gia liên doanh với các hãng tư nhân thì từ năm 2010 đến nay, mảng Lithium là độc quyền của các công ty nhà nước.
Mặc dù không có số liệu chính xác nhưng nhiều ước tính cho thấy sản lượng khai thác Lithium của Bolivia chỉ vào khoảng gần 30.000 tấn mỗi năm và quốc gia này đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm, công nghệ cũng như nguồn vốn.
Cũng như Chile, chính phủ Bolivia muốn liên doanh với những tập đoàn quốc tế để sản xuất các sản phẩm có kỹ thuật cao hơn khai thác quặng Lithium như ắc quy hay xe điện. Tuy nhiên, Bolivia lại muốn nắm cổ phần chi phối những liên doanh này và chính điều đó đã khiến các nhà đầu tư quốc tế lo ngại.
Chính nguyên nhân này đã khiến Bolivia chậm chân trong mảng khai thác Lithium cũng như nhận được rất ít sự quan tâm từ các nhà đầu tư tư nhân. Năm 2016, nước này chỉ bán được 25 tấn Lithium cho Trung Quốc với 208.000 USD.
Nhận thức được tầm quan trọng của Lithium, Bolivia đã nới lỏng các chính sách đầu tư như cho phép các doanh nghiệp liên doanh với tư nhân từ năm 2014 hay ban hành những quy định hướng dẫn cụ thể cho các nhà đầu tư quốc tế đổ tiền vào đây.
Dẫu vậy, quốc gia này vẫn còn chặng đường rất dài phải đi để có thể cạnh tranh được với những người chơi trước như Chile hay Argentina, dù trữ lượng Lithium của họ lớn không kém.
Theo Thời Đại