Bitcoin tại Việt Nam
Đồng Bitcoin ra đời vào năm 2007, tuy nhiên suốt từ đó đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa chính thức thừa nhận đồng tiền này. Quan điểm của NHNN thể hiện đối với đồng tiền trên đã được thể hiện trong thông cáo báo chí vào ngày 27/2/2014: “Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ”.
Như vậy, khi không công nhận Bitcoin là tiền tệ, NHNN đã phủ nhận thẩm quyền của mình đối với Bitcoin. Bộ Công Thương hiện vẫn chưa công nhận Bitcoin là hàng hóa hay dịch vụ do đó cũng phủ nhận thẩm quyền của mình đối với Bitcoin. Việc này cũng đồng thời bãi bỏ cơ sở để thu thuế Bitcoin vì không thể đưa được Bitcoin vào danh mục hàng hóa hay dịch vụ chịu thuế.
Việt Nam không phải là nước duy nhất đã có chính sách cấm Bitcoin trong thời gian trước đây. Tháng 7/2013, Thái Lan là nước đầu tiên ban hành lệnh cấm Bitcoin, sau khi Công ty Bitcoin Thailand trình bày ý tưởng kinh doanh Bitcoin tới Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Tuy nhiên, vào tháng 2/2014, Bộ Tài chính Thái Lan tuyên bố Ngân hàng Trung ương Thái Lan không có thẩm quyền đối với Bitcoin và đã cho phép Công ty Bitcoin Thailand đăng ký kinh doanh ngay sau đó.
Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không ngăn cản Bitcoin, do đó giờ đây Trung Quốc đã trở thành trung tâm khai thác đồng Bitcoin của cả thế giới. Thậm chí đầu năm nay quốc gia này còn bày tỏ ý định muốn phát hành một đồng tiền mã hóa riêng thay thế Bitcoin.
Tháng 12/2016, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12/2017, nghiên cứu lập ba nghị định về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trình Chính phủ trong năm 2018.
Đồng thời đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này thông qua việc học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản. Đây là bước đi đầu tiên của Chính phủ trong việc công nhận Bitcoin và dần đưa Bitcoin vào quản lý pháp luật.
Chưa được công nhận chính thức nhưng đồng Bitcoin đã có những giao dịch tại thị trường Việt Nam. Tháng 3/2014, tại Việt Nam, đại lý mua, bán Bitcoin đầu tiên ra đời với tên gọi là Bitcoin Vietnam tại địa chỉ bitcoin.vn, cho phép mua hoặc bán bitcoin sau khi thực hiện thủ tục xác minh danh tính. Tháng 7/2014, tại Việt Nam, sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên ra đời với tên gọi là VBTC đội ngũ Bitcoin Vietnam hợp tác cùng công ty Blinktrade tại New York, Mỹ, vận hành.
Tháng 6/2015, tại Việt Nam, Công ty Bitcoin Vietnam mở ra dịch vụ kiều hối sử dụng Bitcoin với tên gọi Cash2VN. Người dùng mất từ 2 đô la Mỹ để gửi tiền từ bất kỳ đâu trên thế giới về Việt Nam. Tháng 10/2015, tại Việt Nam, dịch vụ mua bán tiền ảo SanTienAo bắt đầu mua bán Bitcoin. Ngày 2/4/2016, tại Việt Nam, SanTienAo ra mắt sàn giao dịch Bitcoin phi tập trung Remitano. Sau đó Remitano đã mở thêm dịch vụ kiều hối hai chiều dựa trên Bitcoin từ giữa tháng 3//2017
Rủi ro cao
Điều đầu tiên có thể thấy là nguy cơ và rủi ro chiếm đoạt từ các đồng tiền mã hóa như Bitcoin là rất cao, do các thao tác phải thực hiện trên máy tính nên khả năng bị lừa đảo là rất lớn, nhất là với những người kiến thức công nghệ có nhiều hạn chế. Trong khi đó, do tính ẩn danh của Bitcoin và tiền ảo nói chung, không bị ai kiểm soát, nên tội phạm có thể sử dụng đồng tiền đã đánh cắp này như một phương thức giao dịch mà không sợ bị bắt.
Thực tế cho thấy đã có hacker tìm cách tấn công các sàn tiền ảo để đánh cắp số lượng lớn dù các sàn này có công nghệ bảo mật rất cao. Kẻ phát tán virus Wanna Cry thời gian gần đây cũng yêu cầu trả tiền chuộc lại các dữ liệu bằng Bitcoin là minh chứng cho thấy giới hacker rất ưa chuộng đồng tiền này cho các giao dịch.
Một nguyên nhân khác khiến NHNN còn ngần ngại đối với các đồng tiền ảo, tiền mã hóa là do việc giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu.
Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào bốn vấn đề: Xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành.
Theo DNSG