Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo

Trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã giảm nghèo nhanh, bền vững và giải quyết căn bản nghèo đói cùng cực.


Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, bằng những nỗ lực vượt bậc, bằng nhiều chủ trương, giải pháp, Đảng, Nhà nước rất chú trọng tới việc thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội. Phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, trong đó mọi người đều có quyền cống hiến, đóng góp, hưởng thụ cũng chính là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Cách mạng tháng Tám thành công.

GS.TS. Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Cách mạng tháng 8/1945 đã xây dựng những nền tảng đầu tiên cho việc thực hiện hệ thống chính sách xã hội và được phát huy rộng rãi trong công cuộc đổi mới đất nước ngày nay. Tổng tuyển cử để lập ra Hiến pháp, mang lại quyền sống, quyền tự do, quyền sung sướng cho toàn thể nhân dân.

Ông Nam phân tích, khi Cách mạng tháng 8 thành công, nước ta vô cùng khó khăn. Thù trong, giặc ngoài âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ngay trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ 6 nhiệm vụ, trong đó 2 nhiệm vụ quan trọng là diệt giặc đói, diệt giặc dốt để cứu 95% đồng bào bị mù chữ và thực hiện sớm cuộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó không chỉ đề ra chính sách đó, người còn đi đầu trong thực hiện. Trong bức thư về chống giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện “nhường cơm sẻ áo” và chính Người thực hiện làm gương 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem số gạo đó để cứu dân nghèo. Chính nhờ chủ trương đó mà chỉ trong vòng mấy tháng, đất nước đã vượt qua được nguy cơ nạn đói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 1 câu nói triết lý chỉ đạo hành động sâu sắc: “Nếu nước giành được độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập không có nghĩa lý gì”. Do đó, phải làm ngay 4 việc, làm cho dân có ăn, làm cho dân có học, làm cho dân có chỗ ở, được học hành. 4 chính sách đó chính là 4 chính sách xã hội cốt lõi mà sau này khi Đảng ta thực hiện “Đổi mới”, tiếp thu điều đó và tiếp tục mở rộng hệ thống chính sách xã hội toàn diện”,

Trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thành tựu to lớn của đất nước là đã giảm nghèo nhanh, bền vững và giải quyết căn bản nghèo đói cùng cực.

Theo thống kê của Tổng cục thống kê, trong 30 năm qua, nhờ có tăng trưởng nhanh nên đã giảm 30 triệu người thoát nghèo, với tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo giảm mạnh từ 58,1% năm 1993, xuống còn 14,5% năm 2008 và dưới 5% vào năm 2015. Đến năm 2016 Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo mới theo phương thức nghèo đa chiều thì đã giảm tỷ lệ còn 4% trên cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, do nhiều lý do mà khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội chưa được thu hẹp như mong muốn. Nghiên cứu sâu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam do Tổ chức phi chính phủ Oxfam tiến hành cho thấy, thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo.

Că cứ vào các chỉ số để đo bất bình đẳng như Gini, tính thu nhập nhóm 10% số người giàu nhất so với nhóm 10% số người nghèo nhất cũng cho thấy có sự gia tăng bất bình đẳng. Khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư, các vùng địa lý ngày càng dãn rộng, tập trung vào lõi nghèo vùng phía Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ.

Kỹ sư Bùi Công Khế, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, trong y tế sự chênh lệch rõ nét. “Người nghèo vẫn trông chờ sự hỗ trợ khám chữa biện của nhà nước, không thể nào bỏ ra số tiền lớn để trị bệnh chất lượng cao. Có những gia đình quá nghèo, bảo hiểm y tế không thanh toán, hỗ trợ thì bán hết cả nhà cửa, cả gia đình phiêu bạt chỉ vì bệnh tật. Đó là cái khổ của người nghèo. Nhưng đối với người giàu, khá thì vẫn đủ điều kiện hưởng kỹ thuật cao”.

Chênh lệch giàu-nghèo là không tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường, thế nhưng khoảng cách giàu nghèo ở mức nào để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định xã hội. Góp phần nỗ lực chung này, Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt mục tiêu không chỉ hỗ trợ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để họ biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên giảm nghèo bền vững.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương cho rằng, Ủy ban thường gắn với các chương trình mục tiêu để hỗ trợ thêm vào các chương trình.

“Chương trình giảm nghèo của các huyện nghèo quyết định tác dụng chương trình 30a của Chính phủ, hoặc cụ thể hỗ trợ cho hộ nghèo ở huyện nghèo có quyết định 167, làm nhà cho huyện nghèo. Mặt trận phối hợp với chính quyền, phân công đoàn viên hội viên, hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau theo từng nhóm, từng đoàn thể thành hỗ trợ đồng bộ”, bà Ánh cho biết.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, phát triển bền vững, nhưng phải đảm bảo công bằng xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Đây là bài toán rất khó trong điều kiện nền kinh tế và thu ngân sách càng ngày càng khó khăn hiện nay.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, muốn thực hiện tiến bộ công bằng xã hội phải gắn chặt chẽ chính sách tăng trưởng kinh tế với chính sách xã hội. Đồng thời phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm sao cho nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn các thành quả của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội:

“Các cơ hội bình đẳng để giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động. Từ đó tạo cơ hội mọi người được học tập, hưởng lương thu nhập hợp lý, thỏa đáng. Bảo đảm điều kiện công việc, an toàn, đủ điều kiện tái sản xuất, chú trọng tạo việc làm cho lao động dôi dư từ nông nghiệp”, ông Lời cho biết.

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” – Đó là mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam kể từ ngày lập nước.

Trong điều kiện phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không có lý do gì để Việt Nam không thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu- nghèo để người miền xuôi cũng như người miền ngược được tiếp cận các dịch vụ ngang nhau. Rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo, đảm bảo công bằng xã hội cũng chính là gốc để phát triển xã hội bền vững.

Theo VOV