Sếp IBM Việt Nam: Ứng dụng AI cực đơn giản, hãy thử giải bài toán “quán Ngon mất 1-2 triệu USD/năm chỉ vì chờ sắp bàn và thanh toán”!

“Với trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta có thể nghĩ ra nhiều bài toán khác nhau. Lời khuyên của tôi là đừng nghĩ những gì quá lớn, hãy nghĩ ra một giải pháp mà có thể ứng dụng vào thực tiễn ở Việt Nam và cơ hội đó có rất nhiều. Câu chuyện quán Ngon là một ví dụ”, ông Trần Nguyên Vũ – Giám đốc quốc gia các nhóm giải pháp phần mềm IBM Việt Nam – cho biết.


Ảnh minh họa

Chúng ta thường nghe nhiều về trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng chưa nhiều người hình dung được việc Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ này thế nào.

Chia sẻ tại diễn đàn “Sáng tạo trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0”, ông Trần Nguyên Vũ – Giám đốc quốc gia các nhóm giải pháp phần mềm IBM Việt Nam – cho rằng nếu như trong nhiều ngành nghề khác, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các công ty nước ngoài, thì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt với AI, mức độ cạnh tranh không quá khó như chúng ta nghĩ.

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ cao nhất về sử dụng smartphone và mức độ kết nối Internet, hay số tài khoản Facebook – đây là một môi trường rất lý tưởng cho các bạn khởi nghiệp có thể nghĩ ra nhiều bài toán khác nhau”.

“Lời khuyên của tôi là đừng nghĩ những gì quá lớn, hãy nghĩ ra một giải pháp mà có thể ứng dụng vào thực tiễn ở Việt Nam và cơ hội đó có rất nhiều”, ông Vũ nhắn nhủ.

Một trong những ví dụ đơn giản ông Vũ đề cập là câu chuyện lãng phí thời gian ở quán Ngon – một quán ăn nổi tiếng nhiều người lựa chọn khi thết đãi khách mời.

“Khi tới quán Ngon, chúng tôi phải chờ 30 phút để họ sắp bàn và tôi nảy ra ý tưởng: Quán Ngon một năm mất khoảng 1-2 triệu USD cho việc chờ sắp bàn và thanh toán hóa đơn. Nếu các bạn giải quyết được bài toán này thì chỉ cần tính toán chi phí khoảng 500.000 USD thì chắc chắn chủ quán sẽ đầu tư”, ông Vũ gợi ý.

Nếu ứng dụng công nghệ mới để khách tới có thể order ngay được món, ngồi vào bàn là có món ăn lên, khi yêu cầu thanh toán thì hóa đơn tới ngay tức khắc, thì thời gian mỗi lần đi ăn sẽ rút ngắn từ 1 tiếng xuống còn 40 phút.

Với việc rút ngắn được 20 phút/lần ăn, số lượng khách hàng tận dụng được trong thời gian lãng phí nói trên của quán Ngon sẽ tăng thêm khoảng 20%. Như vậy, một năm quán này sẽ tăng thêm được 1 – 2 triệu USD doanh thu.

“Đó là những bài toán dễ thấy trong đời thường mà các bạn cần giải quyết. Đó là một ví dụ về ứng dụng AI”, ông Vũ nói.

Một ví dụ khác được ông Vũ đề cập là việc trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên mỗi mùa tuyển sinh. Năm nào cũng như năm nào, bộ phận tuyển sinh của các trường đại học phải trả lời rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên mà có tới 80% là các câu hỏi lặp đi lặp lại như về cơ chế tín chỉ, thời gian nhập học, học phí thế nào…

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ AI để viết chat bot tự động trả lời – một giải pháp mà rất nhiều sinh viên công nghệ hiện nay có thể làm được. Và 20% câu hỏi riêng biệt còn lại có thể đưa ra cuộc hẹn để trả lời.

Đề cập đến AI, anh Lê Công Thành – Giám đốc Topica AI Lab – nhìn nhận: “Để làm trí tuệ nhân tạo thì cần điều kiện hạ tầng – hệ thống siêu máy tính để tính toán, hệ thống dữ liệu, và quan trọng nhất là know how – hiểu biết của người làm về AI”.

Trong thời đại của điện toán đám mây, chúng ta ngồi ở Việt Nam hoàn toàn có thể thuê hệ thống tính toán rất mạnh ở nước ngoài và giải bài toán của chúng ta.

Với hệ thống dữ liệu, chúng ta có thể có những cách khác nhau để thu thập.

Với vấn đề know how thì các bạn có thể đi du học ở nước ngoài, học trên Internet và học ở rất nhiều nơi.

“Bản chất AI không quá khó. Nếu chúng ta học tốt chương trình toán trong 2 năm đầu đại học thì có thể làm AI rất tốt. Người Việt Nam chúng ta có rất nhiều cơ hội”, anh Thành nhận định.

Diễn đàn “Sáng tạo trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Kết nối Tuổi trẻ Việt 2017, do Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội, Cộng đồng Kiến tạo Địa cầu thành phố Hà Nội, Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (VEO), Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và CTCP đầu tư vì sinh viên Việt Nam 4sv.vn đồng tổ chức.

Mục đích của chuỗi sự kiện là kết nối thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại các nước với thanh niên, sinh viên Việt Nam trong nước thông qua các hoạt động thể chất, sáng tạo và tình nguyện.

Theo trí thức trẻ