20 năm trước, Steve Jobs từng bị lập trình viên vô danh ‘ném đá’ trên sân khấu ngàn người, nhưng cách ông phản ứng sẽ khiến bạn phục sát đất

Steve Jobs đã phản hồi theo cách rất tôn trọng đối phương nhưng vẫn đề cao được giá trị của bản thân ông.


Ảnh minh họa

Năm 1997, khi Steve Jobs vừa mới trở lại Apple – công ty ông bị sa thải khoảng 10 năm trước. Ông có mặt trên sân khấu sự kiện WWDC để trả lời những thắc mắc của các lập trình viên thì một người đã bất ngờ “ném đá” vào ông.

“Steve Jobs, ông là một người thông minh và có nhiều ảnh hưởng”, người này nói.

“Nhưng tôi phiền lòng và chắc chắn rằng ông không biết mình vừa nói ra những gì đâu. Ví dụ, ông nói rằng Java đã giúp thể hiện các ý tưởng trong OpenDoc. Cứ cho phần phát biểu đã xong đi, liệu ông có thể cho chúng tôi biết, ông đã làm được gì trong suốt bảy năm qua”.

Ouch!

Đối với hầu hết chúng ta, một ý kiến như trên giữa nơi đông người chẳng khác gì một “viên đạn” khiến ai cũng bối rối. Thế nhưng Steve Jobs đã có màn đáp trả cực kì khôn khéo và bạn có thể học được rất nhiều điều từ đó.

Tạo một điểm dừng

Điều đầu tiên Steve Jobs làm có lẽ cũng là điểm khó làm nhất. Ông tạo một điểm dừng, ngồi trong yên lặng. Và suy nghĩ. Ở khoảnh khắc như “dài cả thế kỉ” với những người có mặt trong khán phòng (và thực tế kéo dài khoảng 10 giây), Steve Jobs nhấp một ngụm nước, suy nghĩ cả về những sự chỉ trích và câu hỏi.

“Bạn biết đó”, ông bắt đầu trả lời. “Bạn có thể làm một số người hài lòng ở một thời điểm nhất định nào đó, nhưng…”. Một khoảng lặng lại xuất hiện, lần này kéo dài khoảng 8 giây.

Có thể bạn chưa biết đến khái niệm “giá trị của một điểm dừng”. Đây là một kĩ thuật khó, trong đó một người sẽ dừng lại một vài khoảnh khắc (dài hoặc ngắn) để suy nghĩ trước khi hành động. Khoảng lặng ở đây cực kì quan trọng, bởi nó cho phép bạn kiểm soát lại cảm xúc bản thân và suy nghĩ trước khi nói/hành động một điều gì đó, có thể khiến bạn thực sự hối hận về sau.

Những điểm dừng ban đầu giúp Steve Jobs có thời gian bình tâm và phản hồi lại với những ngôn từ giàu tư duy và có điểm nhấn.

Đồng ý với đối phương

“Một trong những điều khó nhất khi bạn cố gắng mang đến những sự thay đổi là đôi khi những người như quý ông này đây lại nói đúng! Ở một vài phạm trù”.

Trong nhiều năm, các nhà tâm lý học đã tìm ra nhiều bằng chứng để chứng minh: cách tốt nhất làm thay đổi lối suy nghĩ của đối phương không phải là tấn công họ mà là tìm ra điểm hòa hợp.

Steve Jobs đã làm điều này một cách hoàn hảo khi khẳng định rằng có nhiều tính năng với OpenDoc (phần mềm đang được bàn đến) mà ông không quen. Nhưng đó không phải là việc của ông, Steve Jobs tiếp tục giải thích.

Đưa ra các lập luận gãy gọn

Steve Jobs tiếp tục bằng cách giải thích vị trí của mình tại Apple không phải là biết từng tí một về một phần mềm nào đó. Thay vào đó, nhiệm vụ của ông là có một cái nhìn tổng quan, đưa ra tầm nhìn và đảm bảo mọi người đều đang đi đúng hướng.

“Điều khó nhất là: Làm sao để nó hòa hợp với một tầm nhìn lớn và rõ ràng. Đó là điều giúp bạn bán được 8 tỷ USD, 10 tỷ USD doanh số sản phẩm mỗi năm? Và một trong những điều tôi luôn nhận ra là bạn phải bắt đầu từ trải nghiệm khách hàng, sau đó mới quay ngược lại làm việc với công nghệ. Chúng ta không thể bắt đầu chỉ với công nghệ rồi sau đó mới cố gắng tìm ra bạn định bán nó ở đâu”.

Và lịch sử đã chứng minh, quan điểm của Steve Jobs hoàn toàn đúng.

Lấy điểm yếu làm điểm mạnh

Khi nói về lấy trải nghiệm khách hàng là điểm bắt đầu, Jobs nói tiếp:

“Tôi đã mắc sai lầm nhiều hơn bất kì ai có mặt ở đây. Tôi có những vết sẹo để chứng minh điều này. Và tôi biết vấn đề luôn nằm ở đó”.

Jobs không chỉ nói về tầm nhìn của mình, ông còn sử dụng cả những kinh nghiệm “đau thương” của cá nhân để làm tăng tính tin cậy của lời nói.

Ngợi khen cộng sự

“Có rất nhiều người đang làm việc cực kì chăm chỉ tại Apple”, Steve Jobs cảm thán. Ông sau đó nêu cụ thể một vài cái tên, trước khi ghi nhận công sức của cả tập thể hàng trăm người.

“Họ đã làm bằng tất cả những gì tốt nhất”, Jobs nói.

Với những lời này, Steve Jobs khéo léo lùi về sau cộng sự của mình, ghi nhận họ và khen ngợi họ. Ông cho họ thấy mình luôn được ủng hộ. Điều này sẽ truyền cảm hứng cho những người đứng sau Steve Jobs và khiến họ thêm nể phục ông.

Kết thúc mạnh mẽ

Những lời kết của Steve Jobs cũng là một điểm nhấn hấp dẫn.

“Dù sao thì, vẫn sẽ có những lỗi ta mắc phải trên hành trình này. Và cũng tốt thôi. Bởi ít nhất một số quyết định đã được đưa ra. Và khi chúng ta thấy vấn đề, chúng ta sẽ sửa nó”, Jobs nói trong tiếng vỗ tay của khán phòng.

Ông sau đó quay lại với người đã đưa ra câu hỏi: “Sẽ có những lỗi ta mắc phải… một số người không biết rõ điều họ đang nói và tôi nghĩ nó tốt hơn rất nhiều những thứ thuộc về quá khứ không xa. Và tôi nghĩ chúng ta đều sẽ tới được điểm đó”.

Theo trí thức trẻ