Chưa có tiêu chuẩn thành phố thông minh
Hiện nay, khoảng 250 thành phố trên thế giới đang tiến hành xây dựng thành phố thông minh. Đây là số liệu thống kê được hãng nghiên cứu thị trường Navigant Research đưa ra trong báo cáo Smart City Tracker Q1/2017. Thành phố thông minh đã thực sự trở thành xu hướng phát triển của các đô thị trên thế giới.
Người dân sẽ nâng cao được chất lượng cuộc sống khi thành phố thông minh hình thành. Theo đó, điều kiện sống trên toàn thành phố sẽ được thu thập và quản lý tập trung. Từ đó, chính quyền thành phố sẽ có cơ sở để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Người dân Việt Nam cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu trên 800 đô thị trong cả nước cùng xây dựng thành phố thông minh.
Vấn đề hiện nay đối với những đô thị muốn xây dựng mô hình này là chưa có tiêu chuẩn rõ ràng về thành phố thông minh. Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông cho biết Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn về thành phố thông minh.
Theo ông Hưng, việc Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn không phải là tình trạng cá biệt. Toàn thế giới đang ở giai đoạn bắt đầu xây dựng và hầu hết các tiêu chuẩn ISO đều không có mối liên quan đến đô thị thông minh. Trong khi đó, ISO mới chỉ phối hợp cùng với IEC về xây dựng và ban hành tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến đô thị thông minh từ năm 2017.
Với mong muốn sớm có được bộ tiêu chuẩn về thành phố thông minh, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2-2017 mới được tổ chức, ông Hưng đã kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các doanh nghiệp. “Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và sẽ đề xuất xây dựng những tiêu chuẩn liên quan đến ICT trong xây dựng đô thị thông minh phù hợp. Mong doanh nghiệp biến lời nói thành hành động, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để cùng nhau xây dựng bộ tiêu chuẩn này” – ông Hưng nói.
Chính sách còn hạn chế
Trong quá trình triển khai xây dựng thành phố thông minh, doanh nghiệp cũng đã nhận thấy nhiều hạn chế trong chính sách của Nhà nước. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng mấu chốt hiện nay là vấn đề bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, mức phí dịch vụ viễn thông công ích được ông Ngọc đánh giá là cao so với doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp đang cần rất nhiều vốn để quang hóa hệ thống đường dây Internet. “Hiện các doanh nghiệp viễn thông phải đóng 2 loại phí là phí thương quyền 0,5%/doanh thu và phí dịch vụ viễn thông công ích 1,5%/doanh thu. Cộng lại là 2% trên doanh thu. Nó lớn lắm và là một vấn đề” – ông Ngọc nói.
Về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (startup), ông Trịnh Minh Giang, Tổng Giám đốc VMCG đề nghị Nhà nước tăng thêm các hỗ trợ như miễn thuế hoàn toàn đối với các hoạt động của kinh tế tư nhân hỗ trợ cho khởi nghiệp, đặc biệt là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, ông Giang cũng đề nghị Nhà nước thay đổi chính sách đang áp dụng với Co-Working Space (không gian làm việc chung). “Hiện nay khi thành lập Co-Working Space vẫn phải theo Luật Bất động sản. Việc cần có vốn pháp định 20 tỷ đồng như vậy rất khó để phù hợp thành lập các Co-Working Space hỗ trợ cho khởi nghiệp” – ông Giang cho biết.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong lúc chờ đợi các văn hướng dân thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực. “Tinh thần của khởi nghiệp là những tinh thần của đổi mới sáng tạo. Bây giờ chúng ta chưa có cái gì để làm căn cứ, nên chăng có thể cho thí điểm ở các thành phố này hay không?” – bà Trương Lý Hoàng Phi đặt câu hỏi.
Theo trí thức trẻ