Bạn đang khốn khổ vì bị lạnh khi làm việc ở văn phòng? Chỉ cần chú ý giữ ấm bộ phận này mọi chuyện sẽ được khắc phục

Bạn lạnh tới mức phải mặc áo, trùm khăn khi ngồi trong phòng điều hòa? Bí quyết khắc phục chuyện này rất đơn giản – hãy nhìn xuống chân mình.


Ảnh minh họa

Vì sao lại là chân?

Bên dưới lớp da tay, chân của chúng ta là rất nhiều mạch máu nhỏ. Chúng rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết, liên tục co vào hoặc giãn ra để kiểm soát lượng máu đưa tới tứ chi, qua đó điều chính huyết áp, kiểm soát thân nhiệt, điều hòa nhịp tim và các chức năng khác.

Khi cơ thể gặp lạnh, tay, chân là bộ phận đầu tiên “chịu hậu quả”. Dưới sự chỉ đạo của não bộ thông qua các dây thần kinh, mạch máu ở tay, chân sẽ co lại để giảm lưu lượng máu chảy tới các bộ phận này nhằm ngăn tối đa việc thoát nhiệt ra môi trường lạnh hơn ở bên ngoài, thay vào đó là tập trung rút máu về nuôi tim, các cơ quan và hệ cơ quan, đảm bảo cho hoạt động bình thường của cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tứ chi bị lạnh.

Bác sĩ Murray Hamlet từ Viện Nghiên cứu Y học Môi trường thuộc Lục Quân Mỹ khẳng định, việc cắt giảm lưu lượng máu tới tứ chi để đối phó với thời tiết lạnh là vô hại với những người khỏe mạnh, bởi quá trình lưu thông máu khắp cơ thể sẽ được điều chỉnh để trở lại hoạt động bình thường sau 10 phút.

Vì vậy, kể cả khi ngồi trong môi trường điều hòa và giữ ấm phần trên của cơ thể, song nếu nhiệt độ chênh lệch nhiều với nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt sẽ giảm xuống.

Do đó, giữ ấm được tay chân, duy trì tuần hoàn máu tốt là cách để ngăn mạch máu co lại, giúp cơ thể không gặp lạnh. Đối với dân văn phòng, sử dụng máy tính thường xuyên, sẽ khó khi phải dùng găng tay. Lúc này, việc giữ ấm thông qua đôi chân trở nên dễ dàng hơn.

Tay chân lạnh có nguy hiểm không?

“Thường xuyên có người than phiền vì bị lạnh tay chân”, chuyên gia tim mạch Natalie Evans từ Mayo Clinic cho biết. “Nhìn chung, khi điều này xảy ra ở những người trẻ, sức khỏe bình thường thì không có gì đáng lo ngại”.

Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với cái lạnh trong một thời gian rất dài, thân nhiệt ngày càng giảm, tay chân có thể trở nên tê cóng và bắt đầu đỏ rồi sưng lên, hay thậm chí phồng rộp. Nếu không có cách bảo vệ phù hợp, tình trạng này sẽ dẫn tới tổn thương mô nghiêm trọng và tổn thương thần kinh.

Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng lạnh tay chân kéo dài liên tục, bạn cần phải xem xét lại, bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe.

Người thường xuyên bị lạnh tay chân có thể đang thiếu sắt hoặc vitamin B, mắc các bệnh như lupus, tiểu đường, bệnh động mạch ngoại biên (PAD), các bệnh về khớp, các bệnh liên quan tới hệ tuần hoàn, bệnh tuyến giáp, hoặc hội chứng rối loạn vận mạch Raynaud’s.

Làm gì khi tay chân bị lạnh?

Giữ ấm chân tay: Đi tất hoặc đeo găng tay là cách đơn giản và rất dễ thực hiện để giữ ấm tay chân khi cảm thấy lạnh. Đặc biệt, những người vốn lưu thông máu kém nên đi tất liên tục.

Tránh đi tất hoặc giầy, đeo găng hay mặc áo quá chật: Bất cứ loại giày hoặc đồ phục trang nào chật đều có thể cản trở quá trình lưu thông máu bình thường tới tứ chi.

Dùng đèn sưởi hoặc điều chỉnh nhiệt độ điều hòa nếu có thể: Nếu có điều kiện, nên sử dụng đèn sưởi trong 10-15 phút khi thấy lạnh, nhưng đừng quên đeo tất/găng sau đó để giữ nhiệt cho cơ thể. Bạn cũng có thể điều chỉnh tăng nhiệt độ điều hòa nếu có thể để tự “cứu” mình khỏi tình trạng này.

Vận động nhẹ nhàng: Ít vận động có thể là một lý do khiến tứ chi trở nên cóng lạnh. Khi cảm thấy lạnh, bạn có thể đứng dậy, vận động nhẹ nhàng bằng cách co duỗi tay chân hay đi lại để tăng lưu thông máu.

Mát-xa: Mát-xa tay chân trong khoảng 10 – 15 phút là cách không khó để thực hiện. Việc mát-xa giúp lưu thông máu tốt hơn và làm ấm cơ thể tức thời.

Uống nước: Một trong những tác hại của việc mất nước là nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Dù ngồi trong môi trường điều hòa lạnh, không toát mồ hôi, song bạn vẫn nên lưu ý bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Không uống cafe hoặc đồ uống có cồn: Cafe hoặc đồ uống có cồn ban đầu sẽ khiến các mạch máu giãn nở ra, song tính khử nước của 2 chúng sau đó lại gây mất nước.

Ăn uống đồ ấm nóng: Nghe có vẻ đơn giản, song thực phẩm, đồ uống ấm thực sự có tác dụng trong việc giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, ngay lập tức ấm hơn. Ngoài ra, so với đồ ăn lạnh, đồ ấm nóng đòi hỏi cơ thể sử dụng ít năng lượng hơn để tiêu hóa và do đó, có thêm năng lượng để sử dụng cho việc làm ấm cơ thể.

Theo trí thức trẻ