Kinh doanh cà phê có dễ?

Đối với nhiều bạn là những người đã và đang kinh doanh cà phê thì câu chuyện khởi nghiệp của Đặng Lê Nguyên Vũ với thương hiệu cà phê Trung Nguyên là một câu chuyện không thể bỏ qua.


Ảnh minh họa

Bạn có thể nhận ra xuyên suốt câu chuyện là biết bao nhiêu khó khăn và thất bại. Thế mới biết đây là ngành kinh doanh không phải ai cũng dễ dàng mà thành công được, với một ngành mà số lượng quán mở ra và đóng cửa với tốc độ chóng mặt như vậy sẽ khiến không ít người giật mình. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu kinh doanh quán cà phê có phải là dễ dàng?

Có thể nói thị trường kinh doanh cà phê hiện nay đang đến mức bão hòa. Một câu nói đùa là ngoài xe máy, điều mà người Việt mình thấy nhiều thứ hai chỉ có thể là quán cà phê. Không những nhiều về số lượng, các quán cà phê còn đa dạng hình thức. Bạn chỉ cần đầu tư vài fin cà phê, vài chiếc ghế đẩu là bạn có thể trở thành ông chủ được rồi. Và câu nói “đi cà phê không?” đã thành câu cửa miệng khi người ta muốn gặp gỡ nhau. Điều này lý giải là văn hóa đi uống cà phê đã trở trở nên quá phổ biến. Và khi mà tỉ lệ quán mọc lên nhanh chóng như vậy thì việc cạnh tranh sẽ khó tránh khỏi. Việc thất bại vì thế có thể cũng sẽ đến với bạn nhanh hơn.

Thiếu kiến thức cũng góp phần khiến các quán cà phê thi nhau đóng cửa. Đa phần những người kinh doanh quán cà phê đều là dân ngang. Nghĩa là họ đã có một công việc chuyên môn chính và muốn phát triển thêm một kênh đầu tư riêng. Vì họ chưa chuẩn bị nền tảng kiến thức cho việc kinh doanh nên khi đó họ không có những kiến thức căn bản. Việc kinh doanh thất bại không phải vì chất lượng hay dịch vụ, mà là thiếu kiến ​​thức về kinh doanh, ví dụ như dịch vụ nghèo nàn hay giá cả không hợp lý, kế hoạch đầu tư tồi và quản lý tài chính kém hiệu quả.

Một lý do không mới nhưng lại xuất hiện rất nhiều đó là tình trạng hết vốn kinh doanh. Những bạn mới bắt đầu kinh doanh đều không có nhiều vốn, số vốn ban đầu chỉ đủ để bạn mở quán chứ không thể duy trì hoạt động kinh doanh vài tháng sau đó. Nhiều bạn thậm chí không có đủ tiền để công việc kinh doanh đi đúng hướng như kế hoạch ban đầu đặt ra.

Tạo khác biệt đôi khi không phải là hướng đi đúng đắn, và khi điều khác biệt đó không níu kéo được người dùng thì hậu quả là rất khôn lường. Điều làm nhiều bạn đi theo hình thức cà phê phong cách lạ là nghĩ rằng đó là chìa khóa cho một quán cà phê thành công. Nhưng đây như là một con dao hai lưỡi.

Bạn không cần phải quá tập trung vào khác biệt, hãy làm theo phương pháp 80/20. Nghĩa là chỉ có 20% khác biệt đến khách hàng. Việc chỉ tập trung 20% khác biệt như vậy để bạn có thể thử thị trường được dễ dàng hơn. Nếu sự đặc biệt đó không hấp dẫn thì vẫn có thể điều chỉnh được. Các quán cà phê thất bại là do đầu tư cho sự khác biệt quá nhiều, đến khi không thành công thì cũng hầu như không chuyển được sang mô hình khác và đành nhận trái đắng.

Việc thuê mặt bằng với mọi giá cũng là một trong những lý do cần được nêu ra.

Khi bạn quá tham thuê mặt bằng với mọi giá thì phần thiệt hại sẽ nằm ở chính bạn. Thời gian đầu tư ngắn nhưng chi phí đầu tư cao. Bài toán hồi vốn và có lời càng trở nên khó khăn. Khi tìm hiểu và thuê mặt bằng thì bạn nên tính mức có thể chi trả hàng tháng. Nếu bạn có một mặt bằng đẹp nhưng giá thuê ngất ngưởng thì doanh thu có cao thì chi phí mặt bằng sẽ ăn hết phần lợi nhuận còn lại. Có những quán dù lượng khách tương đối tốt nhưng hầu như chủ nhân rất khó kiếm lời do chi phí mặt bằng quá lớn.

Chúng ta đa phần là những người kinh doanh cá nhân, mục đích chính của chúng ta là lợi nhuận. Hãy đến hỏi những người xung quanh khu vực bạn dự định thuê, hỏi xem giá mặt bằng đó tầm bao nhiêu và hãy trả xuống từ 10-20% là hợp lý.

Nếu bạn thiếu kinh nghiệm hay thiếu những sự đánh giá cần thiết để mở một quán cà phê. Bạn nên chú ý hơn đến những điểm mà người trước đã gặp và thất bại. Hãy chuẩn bị một hành trang tốt về kiến thức liên quan cũng như thực hành là một điều rất cần thiết. Bạn cần hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của chính mình từ đó suy ra những điểm riêng biệt; hãy nắm bắt rõ nhu cầu khách hàng và có cái nhìn sâu sắc về giá cả, tiếp thị và chiến lược.

Theo trí thức trẻ