Trước nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước thường thấy, các doanh nghiệp Thái Lan, từng đoàn, rầm rộ kéo sang Việt Nam tổ chức các hội chợ, làm hội thảo, xúc tiến thị trường… Còn các doanh nghiệp Việt qua Thái lại không nhiều, hoặc có đi thì cũng với số lượng ít, lẻ tẻ, không gom về theo một mối.
Đầu tháng 8, 10 doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Vinamit, Minh Long, Thiên Long, Cỏ May… sẽ lên đường sang Thái Lan để giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam.
Trước chuyến đi này, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA đã mời bà Nguyễn Phi Vân, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia đến chia sẻ cho doanh nghiệp tham gia hội chợ cách để thâm nhập thị trường ASEAN và thế giới.
Muốn thâm nhập thị trường ngoại, cách doanh nghiệp tư duy là điều tối quan trọng
Câu chuyện sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới là chủ đề mà nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Theo bà Vân, triển lãm là kênh để xúc tiến thương hiệu.
Tuy nhiên, bà Vân cho rằng việc chuẩn bị đưa sản phẩm ra thế giới rất quan trọng. “Những thương hiệu lớn khi họ chuẩn bị vào thị trường nào đó, họ mất hàng năm trời, chứ không chỉ bước đi và bán sản phẩm. Theo tôi, cần phải học những công ty lớn đó”, vị chuyên gia nói.
Theo bà Phi Vân, muốn thâm nhập thị trường nước ngoài thì cách doanh nghiệp tư duy là điều quan trọng. Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam bước ra khu vực phải hiểu khu vực đó là khu vực nào, tại sao lại chọn. Từ khu vực các doanh nghiệp mới bắt đầu chia nhỏ xuống những thị trường nào, nằm ở cấp độ như thế nào.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần có liệt kê rõ ràng về việc thâm nhập thị trường nào trước, đâu là thị trường chiến lược, phi chiến lược.
“Có đi 100 hội chợ, hay nhiều hơn nữa mà tư duy tiếp cận thị trường không thay đổi thì doanh nghiệp Việt sẽ mãi quanh quẩn. Tư duy như thế mới có thể giúp cho DNVN bước ra khu vực và thế giới một cách có nền tảng, vững bền”, bà Phi Vân nói.
Đừng đổ lỗi rằng không có tiền
Chẳng hạn như đầu tháng 8, các doanh nghiệp mang sản phẩm đi hội chợ và muốn thâm nhập thị trường Thái Lan thì theo bà, các doanh nghiệp nên trả lời các câu hỏi như:
– Bạn sẽ chọn thị trường nào? Tại sao như vậy?
– Tiếp theo là các thành phố nào, khu vực nào?
– Doanh nghiệp sẽ phát triển tại khu vực đó như thế nào?
Vì theo bà, khi doanh nghiệp cần đối tác thì phải biết mình tìm tại đâu. Khi biết thị trường thì việc đàm phán với đối tác sẽ thuận lợi hơn và có nhiều khả năng tìm được đối tác tốt. Làm như vậy để khoanh vùng các thành phố và khu vực mà doanh nghiệp cần tìm đối tác.
Theo bà Vân, khoanh vùng khu vực sau đó khoanh vùng thành phố. Nếu chưa hoàn thành kế hoạch thâm nhập thị trường thì hãy khoan đi tìm đối tác.
Câu hỏi như: “Đối thủ cạnh tranh của bạn ở Thái Lan là ai, họ như thế nào, mạnh ở đâu?” cũng rất cần thiết. Vì chỉ khi doanh nghiệp biết câu trả lời thì mới chuẩn bị cho chiến lược thâm nhập tốt. Theo bà Vân, nếu không có tiền thì có thể làm cách khác.
“Doanh nghiệp chỉ cần quan tâm một người ở công ty nào đó nghiên cứu thị trường Thái Lan rồi có thể mua hoặc nhờ họ, có khi là số tiền không nhiều mà vẫn có thông tin. Đừng đổ lỗi là mình không có tiền mà mình không nghĩ được như người ta nghĩ”, bà Vân nói.
Theo trí thức trẻ