Xin tài trợ cho startup là một quá trình căng thẳng. Bạn làm tất cả những gì có thể chỉ để gây ấn tượng với nhà đầu tư tiềm năng: bạn đánh bóng câu chuyện thành lập công ty, bạn tối ưu hóa các số liệu quan trọng giúp công ty của mình trở nên hấp dẫn nhất có thể. Nhưng trước khi bạn tính đến số tiền bạn muốn xin trợ cấp và kiểu nhà đầu tư bạn muốn cùng hợp tác, bạn phải quyết định mối quan hệ bạn muốn thiết lập giữa bạn người đối tác mới của mình – họ sẽ đảm nhận vai trò gì và viễn cảnh hai người hợp tác với nhau diễn ra trong đầu bạn như thế nào?
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Bạn sẽ giữ vai trò lãnh đạo, nghe theo nhà đầu tư hay né sang một bên?
Lãnh đạo startup
Nếu bạn muốn duy trì vị trí lãnh đạo trong công ty của mình, hãy lên kế hoạch hợp đồng sao cho bạn giành được thế thượng phong trong việc quản lý còn nhà đầu tư của bạn chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là tìm được nhà đầu tư thích hợp tin vào năng lực lãnh đạo của bạn (và sẽ không cố gắng đứng sau chỉ đạo).
Những nhà đầu tư này sẽ chấp nhận mọi rủi ro và phần thưởng mang tới bởi các doanh nhân. Những công ty như Alphabet, Facebook và Snap đều đã từng làm hài lòng các nhà đầu tư của mình theo cách này. Nhà đầu tư sẽ chấp nhận rủi ro và hậu quả mà không tham gia nhiều vào quá trình vận hành của công ty. Các doanh nhân, mặt khác được toàn quyền chỉ đạo startup của mình.
Tuy nhiên, chẳng ai muốn làm phật ý nhà đầu tư của mình, thế nên hãy chắc chắn rằng bạn và đối tác đã có sự thống nhất trước, dù là bằng văn bản hay nói miệng, về bản chất cũng như khung thời gian của việc rút lui, nhu cầu xin cấp vốn trong tương lai cũng như chiến lược rõ ràng trong tương lai gần và dài hạn. Thêm vào đó, hãy đàm phán thật cẩn thận với nhà đầu tư về khả năng “ngáng đường” của họ trong công việc quản lý công ty của bạn.
Nhà đầu tư nắm quyền điều hành
Có thể bạn nhận thấy rằng bạn đã đưa công ty đi xa hết mức có thể, nhưng bạn nghĩ rằng vẫn còn nhiều triển vọng to lớn và bạn muốn tiếp tục được tham gia vào công ty. Trong trường hợp này, hãy tìm một nhà đầu tư mà bạn tin tưởng có thể gánh vác công ty, và rằng công ty sẽ tiến xa hơn khi có họ.
Thỏa thuận này không chỉ về việc xin cấp vốn – bạn cần phải tin tưởng và giao phó vai trò lãnh đạo cho nhà đầu tư. Làm như vậy, bạn cần phải hiểu rõ, gián tiếp hoặc trực tiếp, rằng sẽ đến một thời điểm nào đó bạn có thể sẽ không giữ vai trò trong đội ngũ quản lý nữa. Lúc này, bạn chính là người nhận quyền thiểu số, vậy nên hãy đàm phán thật cẩn thận về các quyền đại diện, bồi thường và rút lui của mình. Ngoài ra bạn cũng nên cân nhắc đến việc rút một chút vốn khỏi công ty.
Bán công ty
Nếu bạn đi đến kết luận rằng 5 năm tiếp theo đầy rẫy rủi ro đang chờ bạn, hoặc có thể bạn cảm thấy mình đã làm việc đủ và sẵn sàng để nhận “trái ngọt” từ những nỗ lực của mình và đứng sang một bên. Vậy thì lựa chọn đầu tiên của bạn là bán công ty cho một nhà đầu tư và rút lui hoàn toàn, nhưng làm vậy bạn sẽ khiến thị trường tin rằng có gì đó không ổn đang xảy ra với công ty của bạn. Vậy nên hướng giải quyết thuận lợi về mặt kinh tế nhất dành cho bạn là giữ lại một chút nhỏ quyền quản lý trong khi trao phần lớn quyền điều hành cho nhà đầu tư.
Đã từng có những đội ngũ quản lý xuất sắc không gây được quỹ trong khi một team điều hành trung bình lại làm rất tốt việc tạo lập vốn. Xin cấp vốn đầu tư, giống như mọi lĩnh vực khác, không có đường tắt tới thành công. Nó đòi hỏi rất nhiều tính toán và kế hoạch chiến lược. Đối với một doanh nhân, việc dành thời gian ra để cân đo đong đếm mọi khả năng, nghiên cứu thị trường để tìm được nhà đầu tư thích hợp – người mà sẽ mang lại giá trị lợi nhuận cho công việc kinh doanh cũng như người có cùng chí hướng và tầm nhìn với bạn – là điều tuyệt đối cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả, với tư cách là một doanh nhân, bạn có nghĩa vụ phải quyết định xem mình sẽ lãnh đạo, theo sau hay dừng việc kinh doanh và bán cả công ty.
Theo IctNews