Đó là chia sẻ của đại diện phía Nielsen trong một thông tin mà công ty nghiên cứu thị trường phát đi gần đây. Theo Nielsen, kênh thương mại truyền thống bao gồm hơn 1,1 triệu cửa hàng trải rộng khắp 58 tỉnh tại Việt Nam, chứa đựng nhiều sự cạnh tranh và phức tạp và sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Và việc đưa sản phẩm đến từng cửa hàng tạp hóa để mở rộng kênh phân phối và thúc đẩy doanh số bán hàng từ lâu đã được cho là một bài toán hóc búa cho các nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám Đốc – Trưởng Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ – Nielsen Việt Nam, cho biết “Tập trung vào đâu?” là một câu hỏi phổ biến của các nhà sản xuất bởi vì khả năng mà các nhà sản xuất phục vụ được một nửa trong số 1,1 triệu cửa hàng đó là điều không thực tế. Ngay cả các nhà sản xuất lớn với đội ngũ bán hàng phong phú và nguồn lực dồi dào cũng chỉ có thể phục vụ gần 30% cửa hàng trực tiếp.
Ông Dũng nhấn mạnh “Nếu bạn không biết mục tiêu nằm ở đâu, thì làm sao bạn có thể bắn mũi tên và mong muốn nó chạm đúng mục tiêu đó? Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nếu các doanh nghiệp tập trung đẩy hàng vào 400.000 cửa hàng ở các quận/huyện trọng điểm thì các cửa hàng này có thể mang đến 39% doanh thu bán lẻ.
Với kết quả này, thông qua việc tập trung vào mục tiêu một cách hợp lý, thì việc đạt được phần lớn doanh số bán hàng là điều khả thi và không tốn kém quá nhiều nguồn lực cũng như chi phí như các nhà sản xuất đã nghĩ. Do đó, phân khúc cửa hàng hoặc “tập trung vào đâu” sẽ là những gì doanh nghiệp cần phải nghĩ đến khi muốn mở rộng thị trường để tiến vào vùng đất đầy tiềm năng này.”
Ông Dũng đưa ra kết luận “Khi cộng đồng nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp, thì việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất và họ mua sắm như thế nào và đâu là những điểm tiếp xúc hiệu quả nhất chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai.”
Cơ hội thành công khi đưa hàng tiêu dùng nhanh tới nông thôn
Người tiêu dùng nông thôn ngày nay có niềm đam mê và khát khao được sống với lối sống của người thành thị, do đó, họ mong muốn và sẵn sàng sử dụng những sản phẩm mới.
Theo nghiên cứu của Nielsen, 77% người tiêu dùng nông thôn muốn được thử sử dụng các sản phẩm mới và 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn. Đây chính là động lực dẫn đến việc các sản phẩm mới khi tung ra tại thị trường nông thôn cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn so với hiệu quả kinh doanh của những sản phẩm tương tự tại 6 thành phố chính; và điều này đã được chứng minh ở 25 trong số 27 ngành hàng.
Tuy nhiên, với môi trường bán lẻ rất đa dạng tại khu vực nông thôn, thì việc đảm bảo các sản phẩm luôn có sẵn và dễ dàng để người tiêu dùng có thể mua được là những yếu tố tối quan trọng để dẫn đến thành công.
Theo trí thức trẻ