Đừng bỏ qua 5 “thủ thuật tâm lý” đơn giản giúp bạn cầu được ước thấy trong sự nghiệp

Trong môi trường văn phòng, đôi khi chỉ cần có những hành động nhỏ cũng dễ dàng giúp bạn nhận được cảm tình và sự yêu mến của nhà quản lý và đồng nghiệp. Dưới đây chính là 5 thủ thuật tâm lý đơn giản giúp bạn có được những thứ “cầu được ước thấy” trong công việc.


Ảnh minh họa
1. Chủ động đặt ra những câu hỏi

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Harvard, việc chủ động đặt ra những câu hỏi trong các cuộc giao tiếp sẽ giúp bạn có cơ hội làm chủ cuộc trò chuyện cũng như luôn được đánh giá cao vì thái độ hòa đồng và sự cố gắng duy trì cuộc giao tiếp với những người xung quanh.

Ví dụ, khi làm việc tại một môi trường mới, chủ động trò chuyện với những người đồng nghiệp hoặc đặt ra một số câu hỏi liên quan đến công việc sẽ giúp bạn cải thiện kĩ năng giao tiếp, có cơ hội tìm hiểu sâu về công việc và hơn hết là nhận được sự đánh giá cao về tinh thần làm việc và thái độ với những người xung quanh.

Theo các chuyên gia, bạn nên chủ động tạo ra những cuộc hội thoại và các mối quan hệ để thúc đẩy sự nghiệp của bản thân.

2. Tự đặt cho mình những kì vọng cao, thậm chí là bất hợp lý

Steve Siebold, triệu phú tự lập và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “How Rich People Think” (Tạm dịch là, Cách suy nghĩ của người giàu) cho biết, những người thành công thường có xu hướng tự đặt ra cho mình những mục tiêu lớn lao và thậm chí có phần viển vông so với thực tế. Tuy nhiên, đây cũng chính là cách người thành công thách thức những khó khăn và nỗ lực hết mình để đạt được điều đó.

Steve Siebold cho biết: “Không ai trong số chúng ta có thể thành công mà không tự đặt ra cho bản thân những kì vọng. Thành công sẽ chỉ đến khi bạn tự biết đặt ra những giới hạn để buộc bản thân phải cố gắng và theo đuổi những đam mê của chính mình. Vì vậy, bạn nên tự xây dựng cho bản thân những mục tiêu cụ thể từ công việc, gia đình và mục tiêu trong cuộc đời của bạn”.

3. Nắm lấy những khoảng khắc im lặng khi đàm phán

Travis Bradberry, người đồng sáng lập của TalentSmart chia sẻ rằng: “Khi bạn hỏi ai đó một câu hỏi mà không nhận được câu trả lời ngay lập tức thì hãy đừng cảm thấy áp lực hay khó chịu mà ngắt quãng cuộc hội thoại. Sự yên lặng đó sẽ giúp bạn phát huy những lợi thế và khả năng quan sát vấn đề của bản thân. Đặc biệt, những khoảng khắc im lặng này chính là lúc giúp bạn phân tích được tâm lý của người đối diện và chiều hướng của cuộc đối thoại tiếp theo. Từ đó, bạn có thể làm chủ hoặc điều chỉnh cuộc trò chuyện theo mục đích của mình”.

Đặc biệt, Travis Bradberry nhấn mạnh, sự vội vã và nóng nảy chính là những kẻ thù trong các cuộc đối thoại và đàm phán. Vì vậy, bạn nên tận dụng những khoảng im lặng này để tìm hiểu và nắm bắt được tâm lý của đối phương.

4. Cố gắng nhớ tên mọi người xung quanh dù chỉ là 1 lần gặp gỡ

Joe Hart, CEO của Dale Carnegie cho biết: “Sử dụng tên gọi của một người trong cuộc hội thoại sẽ thể hiện sự thân thiện và tôn trọng của bạn đối với mọi người xung quanh. Hãy cố gắng nhớ tên những người đồng nghiệp của bạn dù chỉ sau lần gặp đầu tiên bởi điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận được sự yêu mến và cảm tình của mọi người xung quanh”.

Vì vậy, bạn có thể chủ động hỏi tên hoặc ghi nhớ các đặc điểm đặc biệt của họ để nhận biệt hoặc thậm chí đặt cho họ một biệt danh dễ thương. Chắc chắn là những người đồng nghiệp của bạn sẽ cảm thấy được tôn trọng và quan tâm nhiều hơn.

5. Thể hiện thái độ đồng tình và hứng thú khi nghe quan điểm của người khác

Một trong những thủ thuật tâm lý tại nơi làm việc mà bạn nên nhớ chính là việc thể hiện thái độ và quan điểm của bản thân trước nhà quản lý và những đồng nghiệp xung quanh. Những cái gật đầu để thể hiện thái độ đồng tình hoặc sự hứng thú khi người khác đưa ra quan điểm cũng là một cách giúp bạn thể hiện thái độ tôn trọng ý kiến cá nhân của người khác. Đặc biệt, đây cũng là cách đơn giản giúp bạn thể hiện được phép lịch sự và những nguyên tắc cơ bản khi hội thoại.

Theo trí thức trẻ