Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Bạn thuộc Type nào?” được đăng trên diễn đàn Quản trị và Khởi nghiệp của tác giả Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.
Tôi hay so sánh tính cách của người làm kinh doanh giống như các võ sĩ mà đặc biệt là võ sĩ của môn MMA (võ thuật kết hợp) trong giải đấu UFC – Ultimate Fighting Champion vì đó là môn từ khi hình thành tới giờ chưa bao giờ ngừng đổi mới, cũng giống như thị trường liên tục biến đổi. Chúng ta hãy xem mình thuộc về “type” nào nhé:
1. Type tinh thần/kỹ thuật = 80/20
Đại diện là mấy võ sĩ khi tập cũng như lên sàn bật nhạc kích động mạnh, trước khi vào đấu còn nhờ huấn luyện viên tát vào mặt để kích động. Dáng điệu cũng như thái độ vào trận như kiểu đây là trận cuối, “một là xanh cỏ hai là đỏ ngực”. Type này của đáng tội tạo sự gay cấn nhất định, nhưng hiệu quả không nhiều.
Đại biểu của trường phái này là Diago Sanchez hoặc Robbie Lawler, chiến đấu thì rất hăng, nhưng có thể gục bất kỳ lúc nào, do chỉ tập trung nện đối thủ nên họ rất dễ dính đòn nếu sơ sẩy và chỉ cần dính đòn thôi thì gần như gục hoàn toàn có thể một phần do mất quá nhiều sức trước đó cho việc thể hiện tinh thần. Có lẽ, businessman không nên giống mấy anh này, vì hên xui lắm.
2. Type kỹ thuật/tinh thần = 20/80
Đại diện là các võ sĩ tới từ môn Brazilian Jujitsu mà nổi bật là Royce Gracie. Cho tới lúc cuối cùng của sự nghiệp, Royce mới có dùng tới một số cú đấm và lên đài trong trang phục thường thấy của các võ sĩ MMA khác còn trong phần lớn sự nghiệp thì ông mặc trang phục của đúng môn phái mình và chỉ dùng kỹ thuật vật của Jujitsu là chính.
Ban đầu thì ông cũng có thành công, thậm chí là thủ đài của những giải đấu đầu tiên. Nhưng sau khi các võ sĩ khác rút kinh nghiệm nhanh chóng còn ông thì không chịu thay đổi đấu pháp thì hình ảnh và vị thế của ông cũng dần lu mờ theo các trận thua nhiều hơn.
Gần đây có thêm vài điển hình nữa của trường phái này như Lyoto Machida, chỉ chuyên sử dụng tấn, bộ pháp cũng như những cách tấn công của Karate. Và chỉ sau vài trận bị bắt bài là anh cũng liên tục bị thua như thần tượng nói ở trên.
Cái khó chịu khi xem các anh có tính cách này thi đấu là họ như cố gắng làm một điều duy nhất là giữ gìn niềm tự hào của mình về môn phái. Thà bị thua chứ không chịu thay đổi phong cách. Có lẽ họ vẫn chưa phải là đại diện tốt cho một businessman khi phải ứng phó với thị trường liên tục thay đổi.
3. Type cố đấm ăn xôi
Không có tài năng lắm nhưng được cái chăm chỉ, thuộc hết các đòn cần thuộc, tập hết các bài cần tập. Đôi khi đại diện của trường phái này lọt vào trận chung kết và may mắn làm sao đạt được giải vô địch, nhưng sau đó thì không bảo vệ được đai vô địch quá 2 trận.
Đại biểu rõ nhất là võ sĩ người Mỹ Forrest Griffin. Nói về Forrest thì ai cũng phải khen là “chăm lắm”, toàn tập tới lúc trong phòng tập chả còn ai mới về. Anh ấy bước vào làng UFC bằng một trận đánh trên đe dưới búa tơi bời máu me cho tới lúc hết giờ. Và vì trong trận đó hai bên hoà nhưng do tinh thần tốt, chăm chỉ đánh đấm nên được đặc cách cả hai vào thi đấu chính thức.
Những võ sĩ như Forrest có biểu hiện là chăm chỉ, nhiệt tình nhưng lại không mấy khi rút được kinh nghiệm, trong khi đều đặn “giã” đối phương thì cũng “tận tình” không kém trong việc nhận về những đòn đánh như mưa ít khi lệch đích từ phía đối diện. Kết quả của những trận anh ấy tham gia đôi khi được quyết định ở chỗ giám khảo thấy anh nào đứng vững hơn hoặc do anh ấy thể hiện nhiệt tình hơn.
Đây hoàn toàn không phải là hình mẫu lý tưởng cho những người muốn làm kinh doanh, vì họ học mà không ngấm thành kỹ năng, chỉ thấy tốt thì làm, chứ ít khi hiểu hiệu quả lắm lúc cần sự loại bỏ những cái không cần, tập trung vào cái cần.
4. Type sớm nở tối tàn
Rất tài năng, rất nhanh đạt đỉnh cao, nhưng nhanh chóng sau đó vì hào quang của một vài trận đấu thành công mà thành ra kiêu căng và thua cuộc liên tục sau đó.
Đại diện có lẽ phải kể tới là Vitor Belfort người đánh gục tượng đài “the axe murderer” Wanderlei Silva trong có 48 giây ngay lần đầu thượng đài bằng một chuỗi cú direct vốn là chuyên môn của anh này lúc mới 18 tuổi. Hầu như sau đó anh liên tục dính các trận thua và trở nên nổi tiếng gần đây do bị hạ bởi các võ sĩ tài năng khác hơn là do chính mình thắng trận.
Businessman thắng một trận để đời rồi sau đó lỗ liên tục hiện tại cũng khá nhiều, họ là nạn nhân của chính bản thân mình vì khó ra khỏi cái bóng của những lần thắng lẻ tẻ ban đầu.
5. Type thực dụng
Rất may, type này lại chiếm đa số trong các võ sĩ tham gia giải UFC. Lý do tham gia giải của họ ngay từ đầu đã rất thực tế, do giải thưởng quá lớn và kiếm tiền bằng quá nhiều cách. Đôi khi chỉ cần đại diện cho một hãng thể thao nào đó, đôi khi chỉ cần tham gia mà thua một võ sĩ tài năng cũng đã được tới 50.000 USD/trận.
Và vì thế, bằng đầu óc thực tế của mình, họ luôn học hỏi và mở rộng khả năng của mình. Điểm thấy rõ là tỷ lệ thành công của họ rất cao, dù rằng hiển nhiên, cùng với tuổi tác ngày càng tăng, họ càng ít thắng hơn.
Có thể dễ dàng kể tên họ như Johny Bon Jones – người chuyên tận dụng khổ tay khổ chân dài hơn hẳn của mình làm khó đối thủ, anh chàng Canada Georges “Rush” St. Pieres chuyển từ chuyên dùng Karate sang kết hợp với môn vật, rồi người nhện quốc tịch Brazil Anderson Silva vốn chỉ quen Muay Thai nhưng sau một vài trận thua đã học thêm BBJ. Và cuối cùng phải kể tới “sát thủ có bộ mặt ngơ ngác” một thời tới từ nước Nga mà tôi vốn rất khoái: Fedor Emelianenko.
Quan điểm cá nhân của tôi đây là hình mẫu cần có của những người làm kinh doanh trong thời hiện đại, khi mọi thứ chẳng có gì là cố định mãi và thời gian giữa các lần thay đổi ngày càng rút ngắn lại.
Dù họ thuộc type nào, chân lý vẫn là, giống như trong kinh doanh, không ai thắng được mãi, nhưng để duy trì được trạng thái đỉnh cao, họ chỉ có một cách là học và ứng dụng liên tục những xu hương mới để không bị tụt hậu so với giới trẻ ngày càng tài năng, ngày càng sáng tạo.
Theo Nhịp sống kinh tế