Trong công việc, so với những người trẻ ở Anh, Mỹ hay các nước phương Tây nói chung, thanh niên Nhật thích sự ổn định hơn rất nhiều. Điều này có thể tốt cho doanh nghiệp trên phương diện nào đó, thế nhưng nó lại làm mất đi ít nhiều tác dụng của những chính sách kích thích kinh tế tăng trưởng mà Ngân hàng Trung ương Nhật đang đưa ra, theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
“Thế khó” của Ngân hàng Trung ương Nhật
Hiện nay, theo nhiều đánh giá, thị trường việc làm Nhật đang ở trạng thái tốt nhất trong hàng chục năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,8%, thấp nhất trong 2 thập kỷ. Tỷ lệ đăng tuyển những việc làm toàn thời gian cố định tăng. Tuy nhiên trong năm ngoái, chỉ 6,9% người trong nhóm độ tuổi từ 25 đến 34 chuyển việc.
Đối với doanh nghiệp, khi người lao động ít chuyển việc, họ có rất nhiều cái lợi. Họ không phải lo lắng về tuyển dụng nhân sự quá nhiều, không phải lo ngại về khả năng công việc bị gián đoạn và cũng không phải lo tăng lương liên tục để giữ người. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế Nhật tăng trưởng chưa thực sự bứt phá và sức tiêu dùng vẫn ở mức thấp, sự ổn định của doanh nghiệp lại khiến nền kinh tế phải trả giá.
Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã và đang đưa ra nhiều chính sách để đẩy lạm phát tăng. Sau 4 năm, chính sách vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng, một phần bởi doanh nghiệp Nhật không chịu tăng lương cho nhân viên, theo khẳng định của một quan chức BOJ. Chỉ khi lương tăng, lập tức tiêu dùng xã hội sẽ tăng theo và giúp đẩy lạm phát lên mức mục tiêu cần thiết.
Không chỉ BOJ đưa ra quan điểm như vậy, trong một báo cáo nhận định về kinh tế Nhật được công bố tuần này, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Sự ổn định, đối với nhiều thanh niên Nhật, quan trọng hơn tất cả mọi yếu tố khác trong cuộc sống công việc. Cô Mizuki Yamada năm nay 23 tuổi cũng có quan điểm như thế. Khi kiếm việc làm, điều cô quan trọng nhất chính là sự ổn định.
Khi học phổ thông cũng như đại học, cô luôn tâm niệm mình phải học thật giỏi để vào được công ty tốt. Cuối cùng cô kiếm được công việc lương cao tại một ngân hàng và sẽ muốn cống hiến ở đó cho đến khi về hưu.
“Tôi đã nghĩ về việc sẽ đi làm ổn định tại một công ty từ khi tôi mới chỉ là học sinh phổ thông. Suy nghĩ đó không chỉ của riêng tôi mà còn rất nhiều bạn bè khác cùng trang lứa”, cô Yamada cho biết.
Những người Nhật thích ổn định
Tỷ lệ chuyển việc của người Nhật chỉ chưa bằng nửa so với tỷ lệ chuyển việc của người lao động tại Mỹ. Và không giống người trẻ Mỹ thường thích thay đổi công việc để kiếm mức lương cao hơn, người trẻ Nhật rất ngại đương đầu với rủi ro khi đổi việc.
Thống kê của Viện nghiên cứu chính sách lao động Nhật thực hiện tháng Chín năm 2016 cho thấy trong nhóm người Nhật độ tuổi từ ngoài 20 đến 55 tuổi tham gia trả lời phỏng vấn, tỷ lệ ủng hộ việc làm việc trọn đời cho một công ty là 55%, cao hơn chóng mặt so với khảo sát tương tự được thực hiện vào năm 2004, tức là cách đây khoảng hơn 13 năm.
Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách lao động Nhật, ông Masato Gunji, phân tích: “Đối với những người Nhật hiện đang ở độ tuổi ngoài 20 và ngoài 30, họ sinh ra trong bối cảnh kinh tế Nhật khó khăn. Và nay kể cả khi kinh tế đã phục hồi, họ chưa thực sự cảm nhận được sự phục hồi đó như thế nào. Vì thế tâm lý sợ sự thay đổi hoàn toàn dễ hiểu.”
Để so sánh, người trẻ Trung Quốc cùng độ tuổi trên lại sinh ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không ngừng, đành rằng cũng có rất nhiều vấn đề nhưng sự thay đổi vẫn hết sức rõ nét, chính vì vậy, bối cảnh kinh tế đó sản sinh ra một thế hệ không sợ sự thay đổi, theo chuyên viên tuyển dụng cao cấp tại Michael Page, ông Richard King.
Cũng chính theo ông King, người trẻ Trung Quốc quan niệm rằng nếu họ không được trọng dụng ở nơi này, họ sẽ được trọng dụng ở nơi khác, chính vì vậy, họ không ngại thay đổi để tìm kiếm cơ hội ở nơi mới.
Khó khăn kiểu Nhật
Nếu như người lao động Nhật ngại chuyển việc thì chính doanh nghiệp Nhật cũng ngại tuyển người mới, đặc biệt khi người đó đã có kinh nghiệm lâu năm ở một công ty khác. Các ông chủ Nhật thường thích tuyển về những người trẻ với kinh nghiệm như “tờ giấy trắng” sau đó họ đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến công ty đó và tuyển dụng người đó cho đến khi anh ta về hưu.
Chính vì vậy nhiều người lao động đã đi làm có kinh nghiệm khi chuyển việc nếu có gì đó không may mắn ở công việc mới sẽ phải trả một cái giá rất đắt: Họ bị đánh tụt xuống vị trí của một nhân viên mới hoặc mất việc mãi. Hay nói một cách khác, chuyển việc chính là bài toán “được ăn cả, ngã về không”. Hoặc người đó sẽ có công việc lương cao, đãi ngộ tốt hơn hoặc sẽ mất tất cả.
Tất nhiên trong nhiều trường hợp, có không ít người chuyển việc may mắn. Chuyên viên tuyển dụng cao cấp Richard King cho biết ông từng chứng kiến nhiều trường hợp cùng tuổi, cùng tốt nghiệp từ một trường đại học nhưng sau từ 15 đến 20 năm làm việc, mức lương của người chuyển việc khoảng 2,3 lần cao hơn hẳn người chỉ làm ổn định tại một doanh nghiệp.
Nhiều người lao động hoàn toàn biết việc đó, nhưng với tâm lý thích ổn định, họ luôn nói theo kiểu: “Đành rằng có thể chuyển việc có thể sẽ mang lại mức lương cao hơn nhưng tôi muốn được ổn định, tôi sẽ lấy vợ sinh con và đến già vui vầy với con cháu, thế là đủ.”
Theo Bizlive