Tờ NYTimes từng nhận xét về Uber: “Cách thức quản lý nhân sự, quy trình kinh doanh cho đến thử nghiệm công nghệ, quản lý thuật toán… tất cả đều có vấn đề”.
Ở Uber có sự pha trộn giữa bộ máy quan liêu lẫn phong cách “làm liều”, mà không ai khác, chính CEO Travis Kalanick là người tiêu biểu nhất. Nhà sáng lập kiêm CEO này bị cho là đã phớt lờ và đứng trên nhiều quy tắc lẫn quy định, cả trong văn hóa doanh nghiệp lẫn luật pháp các nước, và điều đó phản ánh rõ trong những vi phạm phá rào, lách luật, bê bối của Uber.
Travis sẽ ăn mừng sinh nhật 41 tuổi vào tháng 8 này, song cách hành xử của ông bị nhiều nhà phân tích chỉ trích là “cần sự giám sát của người lớn”.
Ông can thiệp quá sâu vào đời tư nhân viên, như trong một email nội bộ năm 2013, Travis đã tuyên bố các nhân viên Uber không được phép quan hệ tình dục với nhau. Kalanick cũng bị chỉ trích vì cách đối xử với các nhân viên Uber. Ông ta bị bắt quả tang tranh cãi với một tài xế về chính sách giá cước.
Được định giá gần 70 tỷ USD, nếu thực sự Uber muốn lên sàn, giới phân tích cho rằng Kalanick chỉ nên giữ ghế Chủ tịch, còn mọi hoạt động thường ngày của Uber nên nhường cho một CEO có kinh nghiệm, chín chắn đảm trách. Trong quá khứ, rất nhiều hãng công nghệ “hot” như Google hay Facebook đã phải thuê các chiến binh Silicon kỳ cựu để trấn an nhà đầu tư về khía cạnh quản trị điều hành.
Lấy thí dụ, Mark Zuckerberg từng tuyển Sheryl Sandberg, cựu quan chức cấp cao của Google để làm COO năm 2008. Facebook lên sàn 4 năm sau đó. Còn Google thì chọn Eric Schmidt, một tên tuổi kỳ cựu từng dẫn dắt những gã khổng lồ công nghệ Novell và Sun Microsystems từ những năm 1990, làm CEO vào năm 2001. 3 năm sau, Google phát hành cổ phiếu lần đầu.
“Uber cần phải hành động nhanh, trước khi Kalanick đẩy Uber chìm sâu trong khủng hoảng hơn nữa”, CNN từng khuyến cáo.
Bê bối kể không hết
Sự cảnh báo của giới phân tích là xác đáng, khi mà thời gian qua, Uber liên tiếp trải qua bê bối rùm beng. Hồi tháng 2, Susan Fowler, một cựu kỹ sư của Uber công khai trên blog cá nhân về việc từng bị giám sát viên của mình quấy rối tình dục, nhưng bộ phận nhân sự của Uber đã phớt lờ các tố cáo đó. Ngay sau vụ việc của Fowler, hàng loạt nhân viên Uber khác đã lên tiếng về những vấn đề mang tính hệ thống khác, như những nhân viên hoặc lái xe có phong độ làm việc tốt, tăng trưởng mạnh sẽ bị công ty thu thêm phí….
Uber đã phải thuê cựu Tổng chưởng lý Eric H.Holder JR cùng hãng luật của ông này tiến hành một cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc từ Susan Fowler, cũng như về những khoảng tối bên trong văn hóa doanh nghiệp công ty. Báo cáo của Holder đã được nộp cho ban giám đốc Uber, song những bê bối vẫn tiếp tục kéo đến. Cuối tháng ba, Uber bị phát hiện vi phạm quy định ứng dụng của Apple tại Trung Quốc. CEO Tim Cook của Apple đã phải mời cá nhân Travis đến trụ sở Apple để yêu cầu Uber ngừng phá rào.
Hay Uber đã tiến hành thử nghiệm xe tự lái tại San Francisco dù chưa được cấp phép. Một chiếc xe tự lái khác của hãng bị ghi hình đang vượt đèn đỏ. Uber cũng đang tranh chấp pháp lý với Waymo, công ty phát triển xe tự lái trực thuộc tập đoàn Google/Alphabet. Alphabet cáo buộc cựu nhân viên Anthony Levandowski đã đánh cắp các bí mật công nghệ và thương mại trước khi bỏ Waymo để thành lập hãng xe tải tự động Otto. Otto đã được Uber mua lại chỉ sau vài tháng hoạt động.
Đầu tháng 6, Uber bị khách hàng tố “bắt chẹt giá cước” ngay sau vụ khủng bố London. Uber giải thích rằng do thuật toán tính giá cước của hãng chậm điều chỉnh trong những tình huống khẩn cấp hoặc thảm họa, song không nhiều người lọt tai được lý do này. Tiếp đó, hôm 6/6, Uber thông báo đã sa thải 20 nhân viên vì các lỗi “quấy rối, kỳ thị đối xử và có hành vi trái đạo đức” tại nơi làm việc. Việc sa thải diễn ra âm thầm trong vài tháng qua và là kết quả của một cuộc điều tra nội bộ nhằm vào văn hóa công sở tại Uber. Tên tuổi những người phải ra đi không được tiết lộ, song một vài người trong số đó là các quan chức cấp cao.
Theo New York Times, tổng cộng đã có 215 vụ “vi phạm quy định công sở” bị điều tra tại Uber, nhưng gần 100 vụ không có bất cứ hình thức xử lý hậu quả nào sau đó. 47 số vụ liên quan đến quấy rối tình dục, 54 vụ liên quan đến kỳ thị hoặc phân biệt đối xử. Số còn lại là các hành vi không chuyên nghiệp tại chỗ làm như bắt nạt, quấy rối (phi tình dục)…Thế nhưng Giám đốc nhân sự Liane Hornsey của Uber, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Huffington Post vẫn khẳng định “đó không phải là các vấn đề mang tính hệ thống” tại Uber.
Những sai lầm liên tiếp đã biến Uber thành “bài học cảnh giác” cho tất cả các doanh nghiệp khác ở thung lũng Silicon, rằng một doanh nghiệp lớn có thể chệch đường đến mức nào nếu văn hóa doanh nghiệp và cách thức quản lý quá tồi tệ.
Theo trí thức trẻ