Các nhà khoa học cho rằng cơ thể chúng ta được “lập trình” mặc định theo một chu kỳ sinh lý cố định tính theo từng ngày một, và động thái cố tình can thiệp và thay đổi nó gây ra bởi những ca làm thêm hoặc ngay cả đi du lịch xa là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã thành công trong việc chứng minh rằng những ảnh hưởng xấu lên cơ thể từ làm việc thêm hay di chuyển lệch múi giờ đó có thể được giảm thiểu đáng kể, đơn giản chỉ bằng cách chúng ta chọn thời điểm để ăn hằng ngày.
Cơ chế cốt lõi dẫn đến đề tài trên được chỉ ra là vì cơ sở rằng đồng hồ sinh học của mỗi người không phải đơn giản mà thực ra là một mạng lưới phức hợp của hàng tỷ những “đồng hồ tế bào” khác hoạt động khắp cơ thể. Trong đó, ở con người và một số loài vật có vú khác, có một phân khu chính nằm trong vùng hoạt động của não có tên gọi SCN (suprachiasmatic nuclei) liên kết với nhiều “đồng hồ” khác ở nhiều vùng cơ thể nữa.
Hầu hết mọi cá thể và trường hợp thì cơ chế SCN được đặt theo chu kỳ ngày-đêm hoặc sáng-tối tự nhiên của Trái Đất. Sau đó, những vùng liên kết nhỏ lẻ như đã đề cập cũng sẽ được khu SCN đồng bộ theo bằng cách kiểm soát hoạt động thần kinh, sự bài tiết hormone, điều hòa nhiệt độ cơ thể và hành vi như chu kỳ ngủ-thức. Từ đó, SCN sẽ duy trì trạng thái ổn định một cách đều đặn của nhịp độ cơ thể.
Những thay đổi lớn trong lề thói hằng ngày như khi chúng ta đi tới một múi giờ khác hoặc làm việc qua đêm sẽ có thể tác động đến nhịp độ vốn đã cố định đó của cơ thể. Thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, thói quen ăn ngủ của cơ thể sẽ bị phá vỡ và khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và có phần không quen (biểu hiện phổ biến của lệch múi giờ). Nếu như kéo dài hơn nữa, các nhà khoa học nghĩ rằng nó hoàn toàn có khả năng gây ra một số vấn đề tiêu cực cho sức khỏe, đến từ chính những nguyên nhân kể trên.
Những người nhận biết được triệu chứng lệch múi giờ thường cố gắng điều chỉnh lại thói quen sao cho phù hợp với múi giờ hiện tại nhanh nhất có thể. Trong cuộc nghiên cứu này, các chuyên gia muốn làm rõ câu trả lời cho việc liệu thay đổi chỉ một khía cạnh là thời điểm ăn thôi có thể tác động và điều chỉnh nhịp độ cơ thể lại như cũ hay không. Hóa ra, việc trì hoãn giờ ăn lại một khoảng thời gian nhất định sẽ giúp khiến cho cơ thể như có thêm một tác nhân nữa thay đổi chu kỳ của các “đồng hồ tế bào” mà không làm ảnh hưởng đến khu SCN chủ chốt. Đây là một khám phá bất ngờ và quan trọng vì những kết quả theo dõi trên động vật trước đó đã chỉ ra rằng việc điều chỉnh lại “đồng hồ tế bào” sẽ mất lâu hơn hẳn so với thông thường.
Thói quen giờ giấc ăn uống
Từ lâu chúng ta đã biết rằng thời điểm ăn cũng góp phần không nhỏ đến tiến trình trao đổi chất trong cơ thể, và sức ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào thời gian nào chúng ta chọn trong ngày. Cơ thể con người có một nhịp độ và lề thói riêng theo tự nhiên dành cho việc nạp đường vào trong máu, đồng nghĩa với việc nếu như bạn ăn liên tục các bữa nhỏ bánh kẹo thay vì ăn những bữa cơm thực phẩm chính như bình thường thì lượng đường huyết dần dần cũng sẽ bị thay đổi. Thông thường thì ăn bữa tối sẽ có tỷ lệ nạp đường và chất béo cao hơn so với buổi sáng.
Động vật cũng không nằm trong ngoại lệ khi tính đến thói quen ăn uống này. Vài thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng nếu như họ cố tình cho động vật ăn vào một khoảng thời gian cố định trong nhiều ngày liên tục, cơ thể chúng dần dần sẽ tự điều chỉnh tập tính ăn uống, thể hiện qua sự thay đổi về nhiệt độ mỗi 2-3 tiếng trước giờ đó. Kể cả khi các nhà khoa học thử dừng thói quen cho ăn vào giờ đó trong vài ngày tiếp theo, những biểu hiện kia vẫn được bộc lộ. Do vậy, điều này bổ sung bằng chứng cho kết luận có một “bộ máy” riêng chỉ liên quan đến thời điểm ăn mà không cần thiết liên quan đến khu SCN chủ dành cho việc điều chỉnh thói quen cơ thể.
Nhiều nghiên cứu khác về động vật tính đến nay cũng chỉ ra kết quả tương tự về tác dụng của việc trì hoãn, thay đổi giờ ăn. Dù sao thì cấu trúc của cơ chế sinh học vốn chưa bao giờ là đơn giản, cho nên việc hiểu rõ cặn kẽ ngọn ngành mọi khía cạnh về lý do tại sao thời điểm ăn tác động đến nhịp độ đồng hồ chung của cơ thể vẫn còn chưa thực sự quá sâu sắc, rộng lớn.
Để làm rõ hơn cho thắc mắc và khó khăn đang gặp phải, họ tiếp tục nhìn vào thói quen thay đổi bữa ăn của 10 người đàn ông tình nguyện khỏe mạnh. 10 người này được cho ăn 3 bữa vào 3 thời điểm như nhau trong 5 ngày đầu, và 6 ngày sau đó thì cả 3 bữa của mỗi người đều được đẩy muộn xuống thêm 5 tiếng sau. Thành phần dinh dưỡng là phù hợp theo nhu cầu cơ thể đã được đánh giá từ trước, với năng lượng và dưỡng chất đều có giá trị như nhau.
Sau mỗi quá trình và điều kiện, họ được đo và lấy số liệu để so sánh tính chất nhịp độ sinh học cơ thể theo từng thời kỳ riêng để đối chiếu. Được biết, để tránh việc gặp phải những phản ứng đột ngột với cách họ thay đổi thời điểm ăn, mỗi ứng viên tình nguyện vẫn được cho một gói bánh trong mỗi giờ.
Reset đồng hồ sinh học
Sau cùng, kết quả rõ rệt nhất cho thấy việc đẩy muộn giờ ăn sau 5 tiếng đồng hồ đã khiến cho thói quen về nồng độ đường huyết của cơ thể cũng có dấu hiệu xuất hiện muộn theo khoảng 5 tiếng tương tự. Nhịp độ chung của SCN vẫn không thay đổi. Do đó, thay đổi giờ ăn có thể ít nhiều tác động đến các lề thói nhỏ lẻ khác mà không cần chúng ta phải tính toán đến việc đổi cả thói quen tất cả những việc còn lại cho phù hợp.
Các lời khuyên về việc chống tác động của lệch múi giờ hay thức muộn làm ca đêm là chỉnh lượng ánh sáng tiếp xúc với cơ thể như một cách điều chỉnh nhịp sinh học theo ngày. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã biết thêm một cách khác cũng có thể tạo nên tác dụng tương tự mà không cần phải gây áp lực lên toàn bộ thói quen của cả cơ thể. Dù sao thì đó mới chỉ là kết quả của việc đưa giờ giấc về lại như cũ, còn giải quyết vấn đề tình trạng sức khỏe thì vẫn cần nghiên cứu thêm nhiều, không thể kết luận sớm được.
Theo trí thức trẻ