Cụ thể, ngày 7/6, Sacombank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng thêm 0,1-0,2%/năm, tùy kỳ hạn. Trước đó, lãi suất tại Eximbank cũng tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 8%/năm với kỳ hạn 24 và 36 tháng, trong khi 13 tháng là 7,5%/năm.
Ngân hàng BacA Bank cũng tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng thêm 0,1-0,15%/năm, nâng lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này lên 7,75%/năm. Ngân hàng Quốc dân (NCB) tăng lãi suất huy động thêm 0,6%/năm ở kỳ hạn 9 tháng, lên 7,3%/năm.
Nhận định trước động thái trên, ông Vương Duy Lâm (Bộ Tài chính) cho biết: “Cũng bởi trong những tháng trước đó, các ngân hàng đã chọn lựa giải pháp tăng nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, thì việc điều chỉnh lại lãi suất kỳ hạn dài trong tháng 6 này chỉ cho thấy các ngân hàng đang rất cẩn trọng cơ cấu lại nguồn vốn của mình theo lộ trình an toàn, nhằm đáp ứng những quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 06/2016, chứ không gây ra tác động tiêu cực lên toàn hệ thống.”
“Ngoài ra, cũng bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng còn rất dồi dào, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và thị trường mở OMO hút ròng liên tục kể từ tháng 5, nên áp lực lên mặt bằng lãi suất gần như là không có”, ông Lâm nói thêm.
Theo thông tin mới nhất từ NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2017, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng diễn biến ổn định. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Để có được kết quả này, NHNN đã đưa ra các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Lâm nhận định: “Khi các ngân hàng hoàn tất việc cân đối lại nguồn vốn của mình, thì điều kiện cho việc hạ lãi suất cho vay từ giờ đến cuối năm 2017 sẽ được thực hiện một cách tốt hơn”.
Theo TTXVN