Tài nguyên duy nhất
Sau ngày lập quốc (chính thức tách khỏi liên bang Malaysia năm 1965 trở thành một nền Cộng hòa độc lập) Singapore đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi thù trong giặc ngoài. Ông Lý trở thành kẻ bị ghét số 1 trên các tờ báo, radio và truyền hình tiếng ở Malaysia.
Tháng 3/1965, hai thủy quân lục chiến Indonesia đã đánh bom một tòa nhà thương mại của Singapore khiến 3 thường dân thiệt mạng và 33 người bị thương khiến hai nước mâu thuẫn dai dẳng về sau.
Trong khi đó, ngay trong lòng Singapore, một số tổ chức và nghiệp đoàn công nhân hoạt động chống chính quyền, thậm chí tuyên bố “đập vỡ” nền cộng hòa và tiêu diệt Lý Quang Diệu.
Trong những ngày rối ren, ông Lý đành cử Bộ trưởng Tài chính Goh Keng Swee làm Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng (MSD) nhằm tận dụng ít trang bị và nhân lực của lực lượng công an để xây dựng và huấn luyện binh lính. Sự tin tưởng này đã được đền đáp, khởi đầu từ 2 trung đoàn nhỏ bé Singapore đã có quân đội hàng đầu khu vực như hiện nay.
Sau này nhớ lại, ông khẳng định tài sản lớn nhất mà Singapore sở hữu chỉ là nguồn nhân lực, chính điều đó đã giúp Singapore vượt qua những ngày khó khăn. Ông Lý tin rằng cung cấp các điều kiện tốt nhất để những cá nhân tài năng đạt thành công là cách duy nhất để Singapore vươn lên.
“Trao cơ hội bình đẳng cho mọi người bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, chúng ta có thể khai thác được những điều tốt đẹp nhất từ người dân. Hãy trao cho họ cơ hội tốt nhất để tự hoàn thiện, tận dụng năng lực bản thân. Nếu giăng lưới đủ rộng để bao quát toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội tìm thấy những nhân tài hàng đầu” – ông Lý Quang Diệu khẳng định như thế vào năm 1966.
Trong cuốn Hard choices (Những lựa chọn khó khăn), nhà nghiên cứu Donald Low đánh giá chế độ nhân tài của Singapore là “nguyên tắc quản trị cốt lõi” của đất nước, là một “hệ tư tưởng quốc gia”.
Theo ông Low, với chế độ nhân tài nhà nước Singapore “cố gắng bình đẳng hóa các cơ hội chứ không phải là kết quả. Chính phủ phân chia phần thưởng dựa trên năng lực và thành tích của từng cá nhân”.
Về vấn đề này, ông Lý Quang Diệu giải thích rất rõ ràng năm 1966: “Trong bất kỳ xã hội nào, trong số hàng nghìn đứa trẻ sinh ra mỗi năm có một số đạt gần mức thiên tài, một số trung bình, một số yếu kém. Tôi luôn tự hỏi những người gần thiên tài và trên trung bình sẽ làm gì. Tôi tin rằng họ là những người sẽ định hình tương lai. Đó là những người sẽ thay đổi xã hội”.
Ông nhấn mạnh Chính phủ Singapore muốn xây dựng một xã hội bình đẳng và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. “Nhưng đừng tự lừa dối bản thân rằng hai con người khác nhau sẽ ngang bằng về sức bền, ý chí, quyết tâm và năng lực. Tôi quan tâm đến những người có thể thực sự đóng góp cho xã hội, những người có thể đem lại sự thay đổi nếu như được đào tạo và có tính kỷ luật cần thiết”.
Chính sách tạo nhân tài kỳ lạ
Vào thời điểm Cộng hòa Singapore ra đời, ông Lý 42 tuổi và đã có 6 năm làm thủ tướng. “Sau nhiều năm nắm chính quyền, tôi nhận ra rằng càng có nhiều người giỏi làm bộ trưởng, quản trị hành chính và chuyên môn, các chính sách của tôi càng có hiệu quả và tạo kết quả tốt đẹp hơn”, ông Lý thổ lộ trong cuốn hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965 – 2000. Vì vậy, ông làm mọi cách để có người tài mà ông tin 80% do di truyền từ cha mẹ và chỉ 20% do môi trường và giáo dục đóng góp.
Vài trong những cách đó đã gây sốc cho toàn xã hội. Ông kêu gọi nam giới tốt nghiệp đại học nên kết hôn với những cô gái cũng tốt nghiệp đại học, thay vì những người thấp hơn theo quan niệm của hầu hết người Á Đông “đàn ông nên lấy vợ thấp hơn mình một cái đầu”.
Lời kêu gọi ông đưa ra trong một bài diễn văn mừng quốc khánh khiến những phụ nữ ít học và cha mẹ họ thấy mình bị coi thường, còn phụ nữ học cao bị “chạm vào nỗi đau” ế chồng, các bộ trưởng tài ba có cha mẹ ít học thì lại thấy vô lý…
Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, qua thống kê, tỷ lệ nam giới học cao kết hôn với người có trình độ ngang bằng có tăng lên. Ông cũng ra chính sách ưu đãi phụ nữ học cao được có con thứ 3, thứ 4 thay vì chỉ “dừng lại ở 2” theo chương trình kế hoạch hóa gia đình để kìm hãm sự gia tăng dân số trước đó.
Phát hiện được tài năng, ông lập tức phân luồng nhằm đào tạo phù hợp với năng lực và sở trường để họ có thể phát huy cao nhất “tinh hoa di truyền”. Bởi vậy giờ đây, ngay khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh Singapore đã được phân luồng vào các hệ đào tạo khác nhau, phù hợp với năng lực của từng em.
Theo trí thức trẻ