Vừa bán vừa nghiên cứu thị trường

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ra đời với mục tiêu tạo cầu nối để doanh nghiệp (DN) tiếp cận với người tiêu dùng (NTD) vùng sâu, vùng xa. Thực tế, theo đánh giá của nhiều DN, 90% mục tiêu ban đầu của DN là hướng đến việc nghiên cứu thị trường (NCTT) nhằm có những sản phẩm với mức giá hợp lý hơn. 
Hàng Việt về nông thôn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm, có khoảng 63.920 DN đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký ước đạt 397.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chỉ có khoảng 10.000 DN thật sự gia nhập thị trường, trong số 57.000 DN đăng ký kinh doanh của 9 tháng đầu năm, số còn lại gần như không hoạt động.
Đặc biệt, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, số lượng doanh nghiệp “khai tử” đang tăng lên nhanh chóng.
Tại TP.HCM tính sơ bộ có khoảng 1.663 DN “khai tử” trong số 20.000 DN đăng ký thành lập từ đầu năm năm đến nay.
Con số này cho thấy, DN đang trong giai đoạn thực sự của khó khăn, bởi chi phí đầu vào, hàng hóa đầu ra cạnh tranh nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn mới… đã dẫn đến tình trạng trì trệ trong hoạt động DN.
Trước thực trạng này, nhiều DN đã tận dụng thời điểm và chọn phương pháp đưa hàng Việt về nông thôn. Một mặt, DN bán hàng, tiếp cận thị trường mới, mặt khác tiến hành nghiên cứu, định vị lại thị trường.
Ông Ngô Văn Vị, Giám đốc Công ty CP Điện tử Tân Bình (VTB), cho biết, hàng điện tử không dễ dàng bán được tại các phiên chợ hàng Việt ở nông thôn, nên ngay từ ban đầu, Công ty xác định rõ mục tiêu là để nghiên cứu thị trường, đo lường thị hiếu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau thời gian tham gia chương trình, sản phẩm của VTB cũng đã được người dân đón nhận. Hay trong năm 2010, Bidrico đạt doanh thu gần 62,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ thị trường nông thôn chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi tăng trưởng bình quân ngành giải khát khoảng 10%, Bidrico đạt tăng trưởng doanh thu bình quân 25%…
Cũng có không ít DN sẵn sàng đồng hành cùng hàng Việt về nông thôn do nhận thấy tính hiệu quả của chương trình về lâu dài. 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, mức chi tiêu của người dân nông thôn đang từng bước nâng lên.
Theo thống kê của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), thị trường nông thôn tiêu thụ 46% giá trị ngành hàng tiêu dùng nhanh, 40% ngành hàng sữa nước. Vì thế, hiện nay, nhiều DN đã nhìn ra không thể tiếp tục bỏ ngỏ thị trường này.
Cụ thể là sự góp mặt của nhiều DN Việt trong rất nhiều lĩnh ngành hàng, như: bột Vĩnh Thuận, Bidrico, Chương Dương, Vissan, ICC Dạ Lan, nhựa Duy Tân…
Theo ông Nguyễn Ngọc Em, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xúc tiến, phối hợp tổ chức gần 5 phiên chợ hàng Việt tại địa phương, nhưng gần 80% DN từ TP.HCM đến tham dự, không chỉ để bán hàng mà tìm hiểu thị trường.
Theo đó, đã có nhiều DN lớn từ hệ thống ngân hàng cho đến DN sản xuất kinh doanh cũng đã dần mở chi nhánh, đại lý tại địa phương.
Có thể nói, nếu tính đến bài toán kinh tế, thời gian đầu, nhiều DN tham gia bán hàng về nông thôn không có lời, thậm chí bị thua lỗ với các khó khăn: giá thành cao so với sức mua của người tiêu dùng, thiếu kênh phân phối và tiếp thị…
Song, nhiều DN cho biết, nếu tính tới việc mở rộng thị phần tại thị trường nông thôn lâu dài thì phải chấp nhận đầu tư tốn kém. Thậm chí việc hoạt động đơn lẻ cũng khó thành công.
Vì các nhà phân phối địa phương khó từ chối những mặt hàng cùng chuỗi, như vỏ, lốp xe Casumina thì phải luôn đi cùng các DN sản xuất dầu nhớt…

Theo DNSG