Giải mã bí ẩn của thị trường có mức giá “điên rồ” nhất trên thế giới

Theo số liệu được tổng hợp bởi Clare McAndrew, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về thị trường nghệ thuật, năm 2015, tổng doanh thu của thị trường này đạt 64 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Kenya hay Costa Rica. Chỉ 1 bức tranh cũng có thể có giá lên đến hàng triệu đô nếu đó là 1 kiệt tác.


Ảnh minh họa

Những nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới bắt đầu xuất hiện từ kỷ Băng Hà, khi loài người đã di chuyển khỏi vùng phía Đông biển Địa Trung Hải và tiến vào vùng đồng bằng Trung Âu giàu có với nguồn cung thực phẩm dồi dào. Ban đầu, họ vẽ lên các bức tường trong hang động những gì mà họ nhìn thấy ở xung quanh – con người, gia súc, cảnh săn bắn. Cách đây 40.000 năm, 1 nghệ sĩ khéo léo ở miền Tây Nam nước Đức tạc nên bức tượng của 1 nhân vật mà ông tự tưởng tưởng ra. Bức tượng mang tên Der Löwenmensch cao 30cm, có chân và tay như một người bình thường nhưng lại có đầu sư tử. Có thể coi đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trên thế giới.

Kể từ đó đến nay, các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành món hàng hóa quý giá có thể được mua đi bán lại. Vậy thì, điều gì tạo nên giá trị của 1 tác phẩm nghệ thuật?

Thị trường nghệ thuật như chúng ta biết đến ngày nay bắt đầu nổi lên kể từ thế kỷ 18. Trước đó, các tác phẩm nghệ thuật được đặt mua trực tiếp từ các nghệ sĩ, chủ yếu bởi những khách hàng quen thuộc giàu có và quyền lực. Các nhà sưu tập khác bắt đầu nổi lên sau cuộc cách mạng công nghiệp gắn liền với sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở châu Âu. Nhà đầu giá nổi tiếng Christie’s được thành lập năm 1766. Những nhà môi giới kết nối người bán và người mua với nhau xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 19.

Trải qua 2 thế kỷ, hiện thị trường nghệ thuật đã phát triển thành một thị trường khổng lồ. Theo số liệu được tổng hợp bởi Clare McAndrew, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về thị trường nghệ thuật, năm 2015, tổng doanh thu của thị trường này đạt 64 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Kenya hay Costa Rica.

Các xu hướng và sự khan hiếm chi phối thị trường nghệ thuật hiện đại. Sự thừa nhận của công chúng với tác phẩm cũng có vai trò rất quan trọng, ví dụ như tác phẩm đó có liên hệ với 1 nhà sưu tập vĩ đại (như David Bowie), tác phẩm đã từng được trưng bày tại 1 triển lãm nổi tiếng hoặc được thừa nhận là 1 phần của lịch sử nghệ thuật.

Một nửa quy mô thị trường nghệ thuật được tính bằng số doanh thu qua kênh môi giới, dù là trực tiếp từ các nghệ sĩ (thị trường sơ cấp) hay bán lại 1 tác phẩm (thị trường thứ chấp). Nửa còn lại là doanh thu đến từ các nhà đấu giá, hệ thống có độ mở và tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thế giới mua bán các tác phẩm nghệ thuật có nhiều yếu tố bí mật với các thỏa thuận tài chính phức tạp.

Tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từ trước tới nay từng được bán đấu giá là bức tranh “Những người phụ nữ Algiers” (Phiên bản 0) của Pablo Picasso. Một nhà sưu tập người Trung Đông đã chi 179,4 triệu USD để mua nó năm 2015 và giấu kín bức tranh trong suốt 20 năm. Hình ảnh những người phụ nữ đầy gợi cảm khiến bức tranh này nhiều khả năng sẽ không bao giờ được trưng bày ở Trung Đông, nhưng nó khiến nhiều người choáng váng vì mức giá cao kỷ lục.

Giá trị phi tài chính của những tác phẩm nghệ thuật là gì? Có lẽ đây là câu hỏi khó nhằn nhất nhưng lại quan trọng về thị trường này. Không phải ai nhìn vào vòng tròn do các vũ công tạo ra trong bức “Vũ khúc” của Matisse hay bức chân dung người mẹ của Rembrandt cũng có thể nhận ra đó chính là những kiệt tác. Cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật là khi bạn cảm thấy sững sờ, cảm thấy bản thân đắm chìm trong câu chuyện kéo dài vô tận ẩn chứa trong tác phẩm. Đó chính là giá trị chân thực nhất của một tác phẩm nghệ thuật.

Theo trí thức trẻ