Đồng thời, theo báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành 2016 là 15.949 việc với giá tiền tồn đọng, chưa được thi hành là 58.997 tỷ đồng.
Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ pháp chế NHNN, thực tế này cũng tạo điều kiện cho kỷ luật hợp đồng không được các bên liên quan tuân thủ, các quyền hợp pháp của chủ nợ (bao gồm cả các TCTD) không được bảo đảm, dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và các ngân hàng vẫn phải cho vay chủ yếu dựa nhiều vào tài sản bảo đảm. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn ở mức cao đe dọa sự ổn định, an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Do vậy, ông Sơn cho rằng, để xây dựng và thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, việc tăng cường nhận thức về vai trò của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ của các bên liên quan đặc biệt là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật là rất cần thiết.
Ông Sơn phân tích, trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, các quan hệ tài sản dựa trên quyền sở hữu, vai trò của cơ chế pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả thể hiện dưới hai khía cạnh sau đây: (i) Cho phép chủ nợ có quyền phong toả tài sản của con nợ, bán các tài sản này và đầu tư số tiền này vào các hoạt động khác có hiệu quả hơn khi con nợ mất khả năng thanh toán và không thể phục hồi; (ii) Cho phép chủ nợ kiểm soát các hoạt động quản lý của con nợ trong trường hợp con nợ đang có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán, không trả được nợ đúng thỏa thuận.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ có các vai trò sau đối với đời sống của nền kinh tế và xã hội: Thứ nhất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội. Thứ hai, tạo dựng và duy trì niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính ổn định và nhịp độ phát triển của nền kinh tế. Thứ ba, góp phần đấu tranh và phòng chống một cách có hiệu quả những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo vệ một cách chắc chắn lợi ích hợp pháp của các chủ nợ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các con nợ trước những ràng buộc bởi các điều kiện vay nợ, góp phần tăng cường kỷ luật hợp đồng. Thứ tư, tạo ra tiền đề pháp lý vững chắc để ổn định các quan hệ kinh tế.
Theo ông Sơn, quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp và các TCTD là một trong những hình thức quan hệ kinh tế có tính truyền thống trong lịch sử phát triển các nền kinh tế. Mang theo mối quan hệ này là những rủi ro do từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp và bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD, bởi chúng đóng vai trò là nền tảng giúp cho các quốc gia trong quá trình nâng cao tính vững chắc của hệ thống các TCTD và ổn định nền kinh tế – trên phương diện vĩ mô, bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ (các TCTD) và tăng cường trách nhiệm của các khách hàng vay vốn (doanh nghiệp) – trên phương diện vi mô, cụ thể:
Thứ nhất, giảm chi phí cấp tín dụng của các TCTD cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Khi chủ nợ (bao gồm cả các TCTD) cung cấp vốn cho các doanh nghiệp để có khoản thu (lợi tức) từ hoạt động cho vay này, thì họ luôn phải đương đầu với những rủi ro, và thậm chí có thể sẽ không thu được cả tiền gốc lẫn lãi nếu những cổ đông kiểm soát hoặc ban giám đốc của các doanh nghiệp không thanh toán những hợp đồng vay nợ. Việc chiếm dụng vốn vay phổ biến, lan tràn sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hiệu quả của cả hệ thống tài chính.
Trong điều kiện hệ thống pháp luật không hoàn chỉnh, nếu các nhà đầu tư tiềm năng dự đoán rằng phần đầu tư của mình sẽ bị những người trong doanh nghiệp chiếm dụng thì họ sẽ không cung cấp vốn cho doanh nghiệp cho dù dưới bất kỳ hình thức nào (cho vay hoặc góp vốn cổ phần). Điều này làm cho các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không có khả năng tìm nguồn vốn tài trợ cho các dự án đầu tư, thậm chí cả dự án đầu tư có tính khả thi cao và khả năng sinh lời hấp dẫn nhất của mình.
Bảo vệ chủ nợ bằng hệ thống luật pháp là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn trong nền kinh tế. Chủ nợ sẽ sẵn sàng cung cấp nhiều vốn cho các doanh nghiệp một khi quyền lợi của họ được luật pháp bảo vệ một cách có hiệu quả và chính các quy định pháp luật và việc thực thi các quy định pháp luật nghiêm minh hình thành nên những quyền trên.
Thứ hai, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Việc xây dựng và kiện toàn hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ sẽ làm gia tăng tính chủ động trong kế hoạch kinh doanh của các TCTD, qua đó nâng cao tính ổn định cho từng TCTD nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Thứ ba, tạo lập cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Một vai trò quan trọng của hệ thống pháp luật về về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ là giúp các chủ nợ, con nợ và các bên tham gia quan hệ vay nợ (người bảo đảm) nắm bắt được những quy định rõ ràng về biện pháp xử lý, khả năng tiếp cận những quy trình thủ tục cần thiết khi thực hiện quyền xử lý. Ngoài ra, nó còn là cơ sở pháp lý giúp các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi hoạt động, cải thiện, phục hồi khả năng thanh toán, có khả năng tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình, cũng như có được giải pháp về tài chính tốt nhất trong những trường hợp cấp thiết.
Theo trí thức trẻ