Nghệ thuật quản lý nhân viên trẻ

Khi tuyển dụng lao động vào một vị trí cụ thể, các doanh nghiệp không hy vọng những nhân viên trẻ có sẵn tất cả những kỹ năng cần thiết phù hợp với vị trí đó. Những kỹ năng chuyên biệt này sẽ được doanh nghiệp đào tạo trong thời gian đầu làm việc. Xuất phát từ điểm này, có hai thứ quan trọng mà nhà tuyển dụng mong đợi nhất ở nhân sự trẻ là kiến thức nền tương đối vững và một cam kết. Ông Lê Châu Tuấn – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ năng kinh doanh BEST khẳng định:
“Đối với những sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng chỉ có hai yêu cầu. Trước hết là họ phải có một kiến thức nền tương đối vững. Kiến thức nền tốt thì việc đào tạo sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Và chính vì phải bỏ công sức đào tạo, truyền nghề nên nhà tuyển dụng cũng mong đợi ở họ một sự cam kết, nghĩa là họ phải có tinh thần hợp tác nghiêm túc và lâu dài”. Những doanh nghiệp này thường quản lý rất chặt chẽ về giờ giấc đối với những nhân viên trẻ để họ không thể “chạy việc” bên ngoài.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với nhân viên trẻ, nên giữ việc chứ không giữ người. Cụ thể là không cần biết người đó đi đâu, chỉ cần công việc hoàn thành đúng tiến độ. Làm thêm ở bên ngoài là vấn đề riêng của mỗi người, nếu như việc làm đó không ảnh hưởng đến nhiệm vụ ở công ty. Nhiều nhân viên trẻ làm việc rất ngẫu hứng nên phải giao cho họ kỳ hạn dứt khoát. Những người trẻ tuổi thường không thích bị quản lý quá chặt. Họ cần có không gian riêng để sáng tạo và tự quyết. Tuổi trẻ vốn rất năng động, muốn kiềm chân họ cũng rất khó. Ở những doanh nghiệp này, giữ người không có nghĩa là quản lý thời gian để họ không thể làm ở chỗ khác, mà là tạo điều kiện thuận lợi nhất và dành nhiều ưu đãi cho họ. Ai cũng có nhu cầu tìm cho mình một môi trường làm việc tốt nhất. Một khi công ty đã tạo được môi trường làm việc thuận lợi thì dù có nơi trả lương cao hơn, chưa chắc gì họ đã ra đi.
Giám đốc Phạm Nhật Trường của Công ty Vietcore – một doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên hoàn toàn thuộc thế hệ 8x cho biết kinh nghiệm giữ chân nhân sự trẻ của mình như sau: “Tôi không quản lý những nhân viên trẻ bằng giờ giấc, mà chỉ yêu cầu họ tôn trọng nội quy của công ty. Tôi luôn quan sát, phân tích từng người để hiểu được nhu cầu của họ là gì, lương bổng, vị trí cao, được đào tạo hay sự thoải mái trong công việc. Điều quan trọng là làm cho các bạn trẻ luôn hứng thú trong từng dự án. Về những ưu đãi, công ty tôi quy định rất rõ ràng. Nếu hoàn thành xuất sắc một dự án, người đó sẽ được ưu tiên mua một số cổ phần của công ty”. Khi một nhân viên làm công ăn lương, họ thường chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ riêng. Một khi đã sở hữu cổ phần trong công ty, dù ít hay nhiều, họ cũng sẽ quan tâm hơn đến tình hình chung của công ty. Đơn giản vì họ đã ý thức được rằng mọi người đang ở cùng trên một chiếc thuyền.

Theo DNSG