Những thống kê này cho thấy nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam nên đứng ngoài và chờ “bão tan” rồi hãy tham gia thị trường

Cũng trong năm 2014, thị trường tài chính còn gặp một phen chao đảo khi Mỹ và một số quốc gia Ả Rập đã tiến hành không kích vào Nhà nước Hồi Giáo (IS) tại miền bắc Syria. Mặc dù không có liên quan trực tiếp như sự kiện Biển Đông, tuy nhiên sự kiện này cũng đã tác động tiêu cực tới TTCK Việt Nam.


Ảnh minh họa

Những năm gần đây, trên Thế giới xuất hiện khá nhiều cuộc xung đột giữa các quốc gia và những lần như vậy đều ảnh hưởng không nhỏ tới biến động của thị trường tài chính quốc tế. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ và trong khoảng 3 năm trở lại đây đã không ít lần chịu tác động tiêu cực từ những cuộc xung đột có phần bất ngờ.

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay lập tức, TTCK Việt Nam đã lao dốc mạnh với hàng loạt phiên trên bảng điện tử “trắng bên mua”.

Chỉ trong vài ngày, chỉ số VnIndex đã rơi một mạch từ vùng 580 điểm xuống 510 điểm. Diễn biến vụ việc hết sức bất ngờ khiến không ít nhà đầu tư thiệt hại nặng nề do không kịp “thoát hàng”.

Cũng trong năm 2014, thị trường tài chính còn gặp một phen chao đảo khi Mỹ và một số quốc gia Ả Rập đã tiến hành không kích vào Nhà nước Hồi Giáo (IS) tại miền bắc Syria. Mặc dù không có liên quan trực tiếp như sự kiện Biển Đông, tuy nhiên sự kiện này cũng đã tác động tiêu cực tới TTCK Việt Nam.

Cuộc không kích này bắt đầu vào ngày 22/9/2014 khi chỉ số VnIndex ở vùng 610 điểm và chỉ 3 tháng sau đó, chỉ số VnIndex đã rơi xuống vùng 510 điểm. Tất nhiên, trong đợt điều chỉnh mạnh cuối năm 2014 của TTCK Việt Nam thì ngoài nguyên nhân từ biến động tại Syria còn phải kể tới việc giá dầu thế giới đột ngột lao dốc đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường.

Hàng loạt cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, TTCK Việt Nam sẽ biến động ra sao?

Ngày 7/4/2017, Mỹ tiếp tục bắn hàng loạt tên lửa Tomahawk vào Syria nhưng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục tăng điểm và chưa có động thái rõ nét nào.

Tuy vậy, trong vài ngày gần đây, những thông tin căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc Mỹ thả “mẹ của các loại bom” – một loại bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay xuống Afghanistan đã khiến thị trường tài chính toàn cầu “rung lắc” theo.

Trong phiên giao dịch sáng 14/4, hầu hết các chỉ số chứng khoán trên thế giới đều giảm mạnh. Chỉ số VnIndex cũng không ngoại lệ khi có thời điểm mất hơn 10 điểm trước khi dần hồi phục về cuối phiên và chỉ còn giảm 5 điểm.

Thống kê từ những sự kiện trong quá khứ có thể thấy TTCK Việt Nam luôn bị ảnh hưởng ít nhiều từ những cuộc xung đột chính trị. Kết hợp với việc TTCK Việt Nam đã tăng trưởng liên tục suốt từ đầu năm 2016 đến nay vẫn chưa có nhịp điều chỉnh thực sự rõ nét nào thì có lẽ việc nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài cuộc chơi, chờ “tan bão” có lẽ là điều cần thiết, giúp hạn chế rủi ro.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh CTCK SHS thì những sự kiện xung đột như hiện nay đã xảy ra khá nhiều lần trong quá khứ và trăm lần như một, TTCK luôn bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, ông Điệp cũng cho rằng sau những sự kiện này, TTCK đều hồi phục mạnh mẽ và chiến tranh chỉ là cái cớ để “gom hàng”.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Mai Phương – Trưởng phòng phân tích CTCK VNDIRECT cho rằng yếu tố chiến tranh là bất định, không thể dự báo. Trong tình hình nhà đầu tư có lãi và chốt lời được rồi, thì với yếu tố bất định thế này, họ sẽ lựa chọn chốt lời.

Kinh nghiệm cho thấy, những phiên thị trường sụt giảm như vậy là cơ hội tốt để nhặt hàng, nhưng bà Mai Phương nhận định: “Cũng không vội vàng phải mua. Áp lực bán tương đối lớn nên cứ kiên nhẫn chờ cơ hội rõ ràng hơn”.

Theo Trí Thức Trẻ