Đạo đức và chiến lược

Theo mạng Washington Profile, ngay ở trong xã hội tư bản, những bộ phận lành mạnh của giới doanh nhân cũng cố gắng thiết lập những tiêu chí đạo đức cho các hoạt động thương mại của mình.
Khái niệm đạo đức thương trường đã có nền móng tự hàng nghìn năm trước. Aristotle đã từng nói không ít điều có thể coi là cơ sở của đạo đức kinh doanh thời hiện đại. Theo Giáo sư James O’Toole của trường Đại học Tổng hợp Nam California, chính triết gia thời Hy Lạp cổ đại này là người thực tế nhất và có “tâm hồn doanh nhân” nhất trong lịch sử triết học của loài người.
Chính Aristotle đã nêu ra ý tưởng rằng, nhiệm vụ chính của người thủ lĩnh không phải là gia tăng quyền lực của mình trước cấp dưới mà là tạo ra những điều kiện để tất cả cán bộ dưới quyền mình có thể thể hiện được mọi năng lực ở mức cao nhất.
Giáo sư O’Toole đã thống kê những câu hỏi mà Aristotle đã lập ra và ngày nay có thể đang khiến các nhà quản lý hiện đại phải đau đầu đi tìm câu trả lời: “Tôi muốn người ta đối xử với tôi như thế nào khi tôi là thành viên của cơ quan?”, “Những tiền đề tiềm năng nào có được để phát triển các tài năng và cả tiềm năng của các thành viên trong cơ quan?”, “Tôi có nhận nhiều hơn công sức đóng góp của mình vào quỹ chung hay không?”, “Liệu hệ thống phân chia lợi nhuận đang có ảnh hưởng như thế nào tới không khí đạo đức chung của cơ quan?”, “Các nhân viên sẽ được nhận tiền thưởng chiếm bao nhiêu phần trăm số lợi nhuận thu được nhờ áp dụng các sáng kiến và ý tưởng của họ?”…
Xem ra, những vấn đề mà Aristotle nêu ra cho tới hôm nay vẫn còn là thời sự.
Thương hiệu tốt không tự nhiên mà có
Viện Đạo đức kinh doanh quốc tế (International Business Ethics Institute) ở Mỹ đã từng xác định 4 công việc mà các công ty cần phải thực hiện để củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu của mình:
– Thứ nhất, trung thực với các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

– Thứ hai, cải thiện ngày một tốt hơn tình hình nội bộ hãng bằng cách gia tăng tinh thần trách nhiệm và lợi ích của các nhân viên, giảm biến động đội ngũ cán bộ, tăng năng suất lao động…

– Thứ ba, đánh bóng thương hiệu một cách chuyên nghiệp và thực chất.

– Cuối cùng, xử lý một cách bài bản những việc liên quan tới cổ phiếu và tài chính – chỉ có ứng xử thật đàng hoàng với luật pháp thì mới có thể tạo dựng tương lai lâu dài và bền chắc cho hãng.
Còn tạp chí Business Ethics trong 16 năm liền thường xuyên công bố bảng xếp hạng những công ty mà họ cho là có tính đạo đức nhất ở Mỹ. Trong số những tiêu chí để xếp hạng có tính tới quan hệ với các nhà đầu tư và đội ngũ nhân viên (trong đó có quan hệ với phụ nữ; với các cộng đồng sắc tộc thiểu số, khác màu da, tôn giáo và quan điểm…); với các cơ quan chính quyền sở tại và cộng đồng những nhà cung cấp nguyên, nhiên liệu; với những người tiêu dùng; chính sách bảo vệ môi trường… Năm 2004, tạp chí này đã bình chọn những công ty sau:
Fannie Mae (dịch vụ tài chính trong lĩnh vực bất động sản). Cũng thật bất ngờ là đầu năm nay, lãnh đạo công ty này đã đệ đơn từ chức vì bị mất lòng tin do những nhà quản lý chủ chốt đã tự đặt những món tiền thưởng quá cao;
Procter & Gamble (hóa chất gia dụng và mỹ phẩm);
Intel Corporation (công nghệ máy tính và tin học);
St. Paul Companies SPC (dịch vụ bảo hiểm và tài chính);
Green Mountain Coffee Roasters Inc. (thực phẩm);
Deere & Company (chế tạo máy);
Avon Products (mỹ phẩm);
Hewlett- Packard Company (công nghệ máy tính và tin học);
Agilent Technologies (công nghệ tin học, điện tử và hoá chất);
Ecolab (dịch vụ làm sạch nội thất và diệt côn trùng).

Những quy tắc xếp hạng của tạp chí Business Ethics có thể áp dụng rộng rãi vì những tiêu chí chính của nó dựa trên những tiền đề mà Tổ chức Bàn tròn doanh nghiệp thế giới (Caux Round Table, viết tắt là CRT) tạo nên. CRT được lập ra từ năm 1986 bởi các doanh nhân tới từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong số này có Chủ tịch hãng Philips, Phó Chủ tịch Viện Quản trị châu Âu và Chủ tịch hãng Canon…
CRT tập hợp các tiền đề của mình trên cơ sở ý tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản: ý tưởng đó được thể hiện bằng từ “quơxây”, nghĩa là “cùng sống và cùng làm việc”. Trong các tiền đề này toát lên sự tôn trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo rất cần thiết cho sự cách tân liên tục và để đạt được sự hài hòa trong thế giới này.
CRT cũng nhấn mạnh tới tình bạn, sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác với nhau trên cơ sở cùng tôn trọng những giá trị đạo đức cao quý và tinh thần trách nhiệm của những cá nhân cụ thể nhằm thích ứng với môi trường ảnh hưởng của họ (tại nơi mà họ cư trú và làm việc). Khái niệm nhân phẩm coi sự thiêng liêng và quý báu của từng cá nhân như mục tiêu, chứ không phải là phương tiện để nhằm đạt mục tiêu.
Quan trọng hơn cả là tìm hiểu xem cái gì là đúng, chứ không phải tìm xem ai đúng (tức là không nên quá cố gắng tìm xem ai có lỗi, ai không, mà là đi tìm cách giải quyết vấn đề cho có hiệu quả nhất).
Tất nhiên, trong xã hội tư bản, không phải cái gì nói ra là đều thực hiện được. Lập ra các quy tắc đạo đức bao giờ cũng dễ hơn nhiều lần là thực hiện chúng.
Lợi nhuận tăng theo… đạo đức
Có không ít người làm giàu nhanh tới chóng mặt nhờ những sự “xập xí xập ngầu” của cơ chế. Trong những xã hội đang nằm ở giai đoạn chuyển tiếp giữa các hình thái xã hội, ăn gian nói dối đôi khi dễ dàng mang lại những khoản thu khổng lồ. Tuy nhiên, bạo phát thì rất có thể cũng sẽ bạo tàn. Kết cục của một số nhà tài phiệt Nga (Oligarkh) hiện nay là một thí dụ nhỡn tiền. Họ đã kiếm được những gia sản nhiều triệu USD trong thời kỳ Moskva dưới sự lãnh đạo của ông Boris Yeltsin phát tán tài sản thừa kế từ Liên bang Xôviết và trở thành những cự phú có máu mặt trên quy mô toàn cầu.
Rồi thế thời thay đổi, khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga, một số nhà tài phiệt dạng kiểu Khodokovsky đã phải vào tù. Cơ quan lập pháp rất dễ dàng tìm ra đủ các thứ tội của những nhà tài phiệt dạng này để họ phải “mùa đông sẵn có hỏa lò, mùa hè nhà đá tha hồ nghỉ ngơi”…
Hai Giáo sư John Kotter và James Heskett ở trường đào tạo quản lý kinh doanh thuộc Harvard, tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”, đã phân tích những kết quả khác nhau ở các công ty với những truyền thống đạo đức khác nhau.
Công trình nghiên cứu của họ cho thấy, trong vòng 11 năm, những công ty “đạo đức cao” đã nâng được thu nhập của mình lên tới 682% (trong khi những công ty đối thủ thường thường bậc trung về chuẩn mực đạo đức chỉ đạt được 36%). Giá trị cổ phiếu của những công ty “đạo đức cao” trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ “kém tắm” hơn, chỉ số này chỉ là 74%). Lãi ròng của các công ty “đạo đức cao” ở Mỹ trong 11 năm đã tăng tới 756% (1%).
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, hai vị Giáo sư khả kính trên khẳng định, gian manh chẳng lọ thật thà!
Nhận thức được vai trò quan trọng của gương mặt đạo đức đối với công việc kinh doanh, người Mỹ đã bỏ khá nhiều công sức ra nghiên cứu về vấn đề này. Chỉ tính riêng trong năm 2000, theo Trung tâm vì một nền văn hóa kinh doanh có đạo đức (Center for Ethical Business Culture), đã có tới 52 công trình nghiên cứu hàn lâm được xuất bản tại Mỹ viết về ảnh hưởng của đạo đức kinh doanh tới thu nhập tài chính của các công ty.
33 công trình phát hiện sự tỉ lệ thuận các phẩm chất đạo đức của đội ngũ lãnh đạo cũng như nhân viên và thu nhập của các công ty. 5 công trình lại phát hiện ra mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa hai yếu tố trên. 14 công trình còn lại không tìm thấy sự liên hệ gì giữa hai yếu tố trên với nhau. Thế là rõ, đại bộ phận các nhà nghiên cứu đều cho rằng, công ty có đạo đức sẽ dễ làm ăn phát đạt hơn.
Theo công trình nghiên cứu do hãng tiếp thị Environics tiến hành tại 20 quốc gia trên thế giới, uy tín xã hội của công ty có vai trò vô cùng to lớn đối với các nhà đầu tư. Thí dụ như ở Mỹ, hiện đang có khoảng 60% dân số đang sở hữu cổ phiếu của các hãng tư nhân. 28% trong số này khi quyết định làm như vậy đã dựa vào những thông tin thu thập được về hình ảnh của công ty trong con mắt xã hội.
Tại Italia, tỉ lệ những nhà đầu tư như thế vào khoảng 33%, còn tại Canada – 26%, tại Nhật Bản – 22%, tại Anh, Pháp, Đức – 21%… Cũng công trình nghiên cứu trên cho thấy, uy tín xã hội ngày càng có ảnh hưởng lớn tới thương hiệu của các công ty, lớn hơn cả quảng cáo và chính sách tài chính…
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức kinh doanh là thái độ của lãnh đạo công ty đối với các nhân viên. Theo một công trình nghiên cứu do Tạp chí Fast Company tiến hành năm 2001, 26% số nhân viên Mỹ tuyên bố rằng, họ quan tâm thực sự tới thành công của công ty mà họ làm việc. 55% hoàn toàn đánh đồng lợi ích cá nhân của mình với lợi ích của các ông chủ. Chỉ có 19% không yêu công ty mà họ phục vụ… Chỉ vì đối xử không thỏa đáng với nhân viên mà đại đa số các doanh nghiệp bị mất vô ích tới hai phần ba thời gian làm việc của các nhân viên…

Theo ANTG