Người hướng nội – Vũ khí bí mật của các công ty hiện đại

Được xem là thiểu số trên thế giới, những kẻ kém cạnh trong môi trường làm việc, thế nhưng người hướng nội có những khả năng độc đáo giúp họ toả sáng bất cứ lúc nào.


Ảnh minh họa

Những người hướng ngoại luôn được yêu mến ở các văn phòng thời hiện đại. Người ta vẫn cho rằng, để thành công ở nơi làm việc trong thế kỷ 21, bạn cần phải bạo dạn, cởi mở và nhiệt tình.

Rõ ràng những người hướng ngoại có thể trở thành những nhân viên tuyệt vời. Nhưng người hướng nội cũng có những thế mạnh đặc biệt của mình, những thứ mà số đông người hướng nội sở hữu. Dưới đây là 4 năng lực được các các nhà quản lý đến từ nhiều công ty nổi tiếng như Apple, Microsoft, và SAP nhận diện ở các nhân viên xuất sắc:

Tư duy xét đoán

Trong một nền kinh tế thông tin, tư duy xét đoán là một năng lực được đánh giá rất cao. Những nhân viên giỏi nhất cần phải giải quyết được các vấn đề mới, cân nhắc các dữ kiện và đưa ra những lý luận đầy thuyết phục.

Trong một cuốn sách của mình, tác giả Cal Newport gọi khả năng sử dụng thành thục các kỹ năng này là “làm việc chuyên sâu”, và cho rằng đây là yếu tố chủ chốt dẫn đến thành công trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.

Laura Helgoe, trong cuốn sách “Introvert Power”, cho rằng những người hướng nội hay bị hút về phía sự cô lập và bền bỉ, những yếu tố cần thiết để làm việc chuyên sâu. Và trở ngại lớn nhất với quá trình làm việc chuyên sâu chính là những lần gián đoạn mang tên “thường xuyên kết nối” – một thứ mà những người hướng nội luôn tìm cách tránh.

Sáng tạo

Sáng tạo là khả năng nhìn thế giới bằng những cách mới – để khám phá những mô thức còn ẩn giấu, tìm ra những giải pháp mới và tạo ra những sản phẩm mới có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, người hướng nội hay hướng ngoại đều không bị giới hạn về sức sáng tạo. Nhưng mỗi nét tính cách lại có những điểm mạnh về sáng tạo khác nhau.

Người hướng ngoại rất giỏi dẫn dắt cuộc đối thoại và đóng góp vào các cuộc thảo luận động não. Trong khi đó người hướng nội lại chú ý lắng nghe người khác và chăm chú quan sát khi các sự kiện diễn ra. Điều này có nghĩa là họ có thể nhận thức được vấn đề với sự mạch lạc, độ sâu xa và tính khách quan lớn hơn hẳn.

Các nhà nghiên cứu còn cho biết tư duy sáng tạo sẽ thăng hoa ngay khi người ta chú ý vào những khía cạnh tiêu cực trong công việc của mình. Những người có thể nhìn thấy rõ vấn đề, xem xét các nguyên nhân gốc rễ và cảm thấy lo lắng về hậu quả thường là những người sáng tạo nhất.

Cộng tác

Ai cũng biết người hướng nội rất kỵ kiểu văn phòng có không gian làm việc chung. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ thiếu hiệu quả khi làm việc nhóm.

Trong một nghiên cứu năm 2010, các nhà nghiên cứu cho biết những nhóm làm việc tốt nhất đều có sự đóng góp cân bằng của người hướng nội và hướng ngoại. Một lãnh đạo hướng nội thường thành công khi dẫn dắt một nhóm có đa số là người hướng ngoại.

Người này sẽ đặt ra những câu hỏi đúng hướng, khuyến khích tư duy mới mẻ, và giúp cả nhóm tạo ra một viễn cảnh nhất quán để giúp công việc tiến triển tốt đẹp. Trong khi đó, một lãnh đạo hướng ngoại lại có sở trường là tạo động lực thúc đẩy cho một nhóm gồm nhiều người hướng nội và giúp họ tiến về phía trước.

Giao tiếp

Đây có vẻ là đặc điểm dễ phân biệt người hướng nội và hướng ngoại nhất. Dường như ai cũng nghĩ là người hướng ngoại sẽ giỏi giao tiếp hơn, và điều này có thể đúng nếu bạn coi giao tiếp là khả năng ứng biến khi nói chuyện.

Tuy nhiên, giao tiếp còn vượt ra ngoài khả năng ăn nói của một người trước đám đông. Sự giao tiếp mạch lạc là khả năng đoán trước những gì người nghe biết và sau đó đặt thông điệp của bạn trong một ngữ cảnh thích hợp để người nghe có thể hiểu được. Và người hướng nội rất có ưu thế trong vấn đề này.

Về cơ bản, người hướng nội có xu hướng suy ngẫm và chọn lọc suy nghĩ của mình. Quá trình nhận thức mãnh liệt và liên tục này giúp họ tiếp cận tốt hơn với ký ức trước khi tiếp nhận kiến thức mới. Nhờ vậy họ hiểu rõ hơn và có thể tìm ra cách giúp người khác nắm được thông tin hoặc các kỹ năng mới.

Sự tự tin thầm lặng

Mặc dù đôi khi đúng là người hướng nội phải chịu bất lợi trong chốn công sở ở thế kỷ 21, nhưng không phải là do họ kém cỏi hay ít giá trị hơn. Đơn giản là nhiều nhà quản lý không nhận ra được sở trường của những nhân viên thầm lặng kín tiếng.

Nếu các công ty tạo ra được những không gian riêng tư nơi người hướng nội có thể làm việc hiệu quả và tổ chức các buổi họp sao cho họ có thời gian đóng góp ý kiến của mình, thì chắc chắn điểm mạnh của cả 2 nhóm người hướng nội và hướng ngoại sẽ được khai thác triệt để.

Theo Trí Thức Trẻ