Để dân sales vượt qua “ngưỡng hài lòng”, ra khỏi vùng an toàn và bán hàng máu chiến hơn, các ông chủ hãy làm theo cách sau!

Danh và Lợi luôn là điều mà một người thường hướng tới dù cho họ có làm nghề gì. Và hai cái nay đan xen nhau thì mới thúc đẩy họ tiến lên.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Các cách phá vỡ ‘ngưỡng hài lòng’ của dân sales” của Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng Bán hàng/ Quản lý Bán hàng​ Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.

1. Biến văn hóa tăng trưởng thành một luật bất thành văn

Nhiều doanh nghiệp SMEs không tăng doanh số theo từng tháng. Vì một số lý do rất đơn giản, nhìn sang đối thủ thấy họ vẫn vậy nên mình không tăng, vì lãi của mình cũng tạm rồi, vì nếu tăng thì nhân viên kêu ca rồi đòi nghỉ.

Sai lầm này xuất phát từ việc ngay từ đầu họ không ấn định một việc mà các công ty liên doanh làm rất tốt. Đó hiển nhiên là luôn phải gia tăng doanh số, chỉ có một thứ phải tính là tăng bao nhiêu mỗi tháng mà thôi!

2. Luôn chỉ cho sales thấy số tiền họ kiếm được chưa đủ và họ cần phải kiếm nhiều hơn!

Sales thường có cái tật rất xấu là một khi công việc ổn định họ sẽ không tìm hiểu gì thêm ở bên ngoài nữa. Do vậy phải luôn hướng họ ra ngoài nhìn xem cùng công việc như vậy, thì người của công ty khác đang kiếm mức lương bao nhiêu do vượt ngưỡng doanh số bao nhiêu? Cũng phải cho họ thấy rằng mức sống của họ ngày càng phải được nâng cao cho kịp với thời cuộc hiện đại. Chưa có lò vi sóng thì nay phải mua. Chưa có bếp từ thì tháng tới sắp Tết phải có một cái cho bằng bạn bằng bè. Người khác ra nước ngoài đi du lịch, họ đi Mỹ thì mình cũng phải sang Singapore cho nó đỡ tủi.

Cứ như thế, trong khi chúng ta thúc đẩy họ tiêu pha nhiều hơn, chúng ta đang giúp họ tham vọng hơn để làm việc nhiều hơn và kiếm tiền đủ cho các nhu cầu mới của mình.

3. Luôn tìm hiểu mong đợi của sales trong tương lai

Như những cỗ xe, dân sales nếu nhìn gần thì sẽ không có gì phải lo lắng, nhưng nếu họ là người nhìn ra xa thì họ sẽ thấy con đường đi của mình không hoàn toàn bằng phẳng. Và người chủ hay người quản lý phải rót nỗi lo này vào họ hàng ngày.

Nói là tìm hiểu mong đợi nhưng thực ra chính người quản lý sẽ tạo ra nỗi lo về một tương lai ngày càng nhiều sức ép và sau đó thúc nhân viên sales mơ xa để họ nỗ lực ngay từ bây giờ chứ không “há miệng chờ sung”.

Vậy là câu hỏi cửa miệng của quản lý sẽ luôn là? “Em hình dung mình sẽ đi chiếc ô tô của hãng nào trong 5 năm tới? Làm sao em có đủ tiền để mua xe? Từ giờ mỗi tháng theo em tiết kiệm bao nhiêu thì mới đủ?”..

Lộ trình thăng tiến và cơ hội của sales: Danh và Lợi luôn là điều mà một người thường hướng tới dù cho họ có làm nghề gì. Và hai cái nay đan xen nhau thì mới thúc đẩy họ tiến lên.

Khi chưa có tiền thì họ mong có đủ tiền để sống tức là từ “ăn đói mặc khát” thành “ăn no mặc ấm”. Tới khi có đủ để sống rồi thì họ mong mình được thưởng thức những thứ người khác vốn giàu có hơn họ được hưởng. Vậy là sang tới “ăn ngon mặc đẹp”. Lúc này nhu cầu lợi kết hợp với một phần nhu cầu danh vì ăn ngon chứng tỏ mình phải có của ăn của để. Cuối cùng, ăn ngon sẽ hướng hầu hết tới cái Danh là khi người ta muốn mình “ăn sung mặc sướng”.

Tương tự như vậy, sau khi có đủ tiền để sống, salesman sẽ tự hào hơn và muốn làm nhiều hơn nếu đặt cho họ chức danh và quyền lực mới. Sự tham lam ấy không có gì là tội lỗi, nếu chúng ta, những nhà quản lý hiểu rõ nó và thúc đẩy họ đi theo tiến trình đó thông qua việc làm tốt hơn để kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo Trí Thức Trẻ