Quản lý nhân sự và văn hóa doanh nghiệp – Đang ở đâu

Nhiều người khẳng định: Văn hoá doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, theo quan điểm quản lý hiện đại, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của con người và nhìn nhận đây chính là yếu tố cốt lõi để làm nên sự thành công. Vì thế, quản lý nhân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đảm nhiệm các vị trí tại bộ phận này đòi hỏi người làm công tác nhân sự phải nắm rõ nhu cầu, mong muốn của mỗi nhân viên. Áp lực và khó khăn bắt đầu ngay từ quá trình tuyển dụng cho đến quá trình trọng dụng và gìn giữ nhân tài, đặc biệt là dựa trên yếu tố con người để xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp.
Chị Ly làm việc ở văn phòng của một tổ chức nước ngoài chia sẻ: “Xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp phù hợp là điều rất khó khăn. Tại nơi tôi làm việc đây thực sự là vấn đề nan giải bởi mọi người đến từ nhiều nước khác nhau, từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Do đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở hiểu biết về văn hóa của nhau, thông qua hoạt động trao đổi nhằm giúp mọi người trong công ty gần nhau hơn và đạt được công bằng tối ưu giữa mọi thành viên.”
Ron Kaufman, một chuyên gia cố vấn nhân sự tại nhiều tổ chức doanh nghiệp đa quốc gia nhận định: “Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hành vi tích cực của các thành viên, nâng cao hiệu quả lao động và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.” Càng ngày, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên một trong những yếu tố chính mà người lao động muốn tìm hiểu và đặc biệt quan tâm trước khi bắt đầu gia nhập một tổ chức mới. Bên cạnh các chính sách về lương, thưởng, thời gian làm việc…, họ còn xem xét đến các yếu tố về phúc lợi cho nhân viên, môi trường làm việc, độ tuổi trung bình lao động tại doanh nghiệp… Đặc biệt, với những người có bản lĩnh và có năng lực lại càng có nhiều lựa chọn. Và nhiều cuộc điều tra đã khẳng định, mức lương cao không phải là lựa chọn duy nhất và hàng đầu khiến họ đến với doanh nghiệp.
Một chuyên gia của Việt Nam nhận xét: “Thực tế là các doanh nghiệp thường triển khai quá trình tạo dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng chú trọng xây dựng những biểu hiện bên ngoài như khẩu hiệu, logo; cách chào hỏi, nói năng; phong trào sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tạp chí nội bộ ,… Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp đã nhìn nhận văn hóa doanh nghiệp sâu sắc hơn , không chỉ dừng lại ở “phong trào bề nổi”, coi văn hóa là bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp, là sức mạnh cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp và cuối cùng là động lực phát triển của doanh nghiệp.” Vai trò của các nhà quản lý nhân sự trong việc chủ động xây dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh là rất quan trọng. Đây là điều thực sự cần thiết nếu doanh nghiệp muốn văn hóa phục vụ có hiệu quả cho định hướng phát triển chung, góp phần tạo nên sức mạnh cạnh tranh của mình.

Theo Saga