Lâu nay “sức mạnh mềm”, một khái niệm trong chính trị học và quan hệ quốc tế, được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng tới thực thể khác thông qua sức hấp dẫn và hợp tác chứ không phải bằng vũ lực hay tiền bạc.
Sức mạnh mềm của một quốc gia xuất phát từ văn hóa, hệ giá trị và chính sách. Khái niệm này thường chỉ đường lối ngoại giao của các cường quốc như Mỹ, Anh áp dụng để gây ảnh hưởng tới các nước khác thông qua hoạt động văn hóa, phim ảnh, âm nhạc, mạng lưới truyền thông… “Sức mạnh mềm” của người Mỹ trở thành những biểu tượng văn hóa, như Levi’s, Coca-Cola, Mc Donald’s, Microsoft, CNN, Hollywood hay nhạc hip-hop…
GS. Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết “Sức mạnh mềm” đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, cho rằng, Việt Nam mặc dù là nước nhỏ nhưng đang có rất nhiều cơ hội để gia tăng thứ quyền lực mềm dẻo này. Cụ thể, Việt Nam là nước đang phát triển có tăng trưởng kinh tế khá và có thái độ tích cực trong vấn đề biến đổi khí hậu, chủ đề đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Nhiều nước trong khu vực cũng đang định hình sức mạnh mềm của riêng mình. Trung Quốc đã đầu tư khổng lồ xây 200 học viện Khổng Tử tại các nước khác, thu hút sinh viên quốc tế đến nước này học tập, tổ chức Olympic hoành tráng… Đối với Hàn Quốc, sự thật về một xã hội mở – cho phép đưa ra các chỉ trích và tranh cãi – đã khiến cho nước này trở nên thu hút hơn đối với thế giới.
Bên cạnh đó, những nét quyến rũ của văn hóa Hàn được chính phủ nước này chú trọng phát triển. Cuối thập kỷ 1990, châu Á đã chứng kiến sự “lên ngôi” của “Hallyu”- hay còn gọi là “làn sóng Hàn Quốc” – xu hướng chuộng tất cả mọi thứ từ thời trang cho tới phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực có xuất xứ từ Hàn Quốc. Nước Singapore nhỏ bé đã rất thành công với thương hiệu “Thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc”, một xã hội trong sạch cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…
Cũng như vậy, không phải phải thiết lập các kênh truyền thông khổng lồ, cũng không phải là các trung tâm văn hóa mở rộng khắp thế giới, đối với Việt Nam, xây dựng quyền lực mềm, theo GS. Nye, là đơn giản chọn đầu tư vào các dự án tốt cho tương lai, đồng thời tạo danh tiếng. Ví dụ, Việt Nam cần kiên quyết nói “không” với các “dự án bẩn”, các dự án hủy hoại môi trường, nếu không sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như danh tiếng.
Mỗi quốc gia đều có thể xây dựng sức mạnh mềm theo cách riêng của mình. Nhưng trên hết, đó phải là sự trung thực với chính mình, và quan trọng hơn, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Sức mạnh mềm là điều cần học cho cả quốc gia và càng quan trọng với các nhà lãnh đạo. Một quốc gia có lãnh đạo học hỏi nhanh thì sẽ lãnh đạo quốc gia hiệu quả”. Chưa thể bàn đến sức mạnh mềm khi lực cản tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm vì không chỉ làm nghèo đất nước mà còn xói mòn lòng tin trong và ngoài nước. Thay vì tính tới chuyện gây ảnh hưởng cho những người khác, trước hết hãy tính chuyện thoát khỏi những gông cùm của những thói xấu đang nằm trong chính bản thân mình.
Bàn về chuyện sức mạnh mềm cũng có thể hiểu như chuyện chúng ta đang nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia – chứa đựng trong nó những giá trị của những thương hiệu nhỏ hơn, của mỗi người dân, của mỗi doanh nghiệp. Thay vì nghĩ đến chuyện chinh phục những thị trường rộng lớn, hãy nghĩ đến chuyện hấp dẫn và thuyết phục thị trường trong nước bằng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt như đúng cam kết. Có doanh nghiệp tuyên bố về “quyền lực cà phê Việt Nam” như một trung tâm cà phê của thế giới, nhưng mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở việc tuyên bố. Những tuyên bố không được thực hiện vô tình làm xói mòn cả niềm tin mà doanh nghiệp này đã gây dựng bấy lâu.
Trong khi đó, nhãn hiệu cà phê Starbucks chinh phục thị trường thế giới chỉ bằng hai quan điểm đơn giản: là nơi chốn thứ ba và cam kết cung cấp cà phê tươi. Chốn thứ ba là nơi mọi người lui tới bên cạnh hai nơi chốn là gia đình và công sở. Cà phê tươi là cà phê Arabica được rang xay và sử dụng trong vòng một tuần. Trước sau như một chỉ là quan điểm đơn giản đó. Hành động không khác hơn những gì đã nói.
Theo DNSG