Tại sao người giỏi thường không kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng lúc?

Làm được nhiều việc, kiêm nhiệm nhiều chức vụ một lúc thực sự rất hấp dẫn. Nhưng thực tế có phải như vậy?


Ảnh minh họa

Làm nhiều việc một lúc (đa nhiệm) có thực sự tốt hay không? Những nghiên cứu mới đã cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng.

Cụ thể, nghiên cứu này chỉ ra rằng, mỗi khi thực hiện cùng lúc nhiều việc, không chỉ hiệu suất công việc giảm, mà chúng ta còn có nguy cơ bị tổn thương não bộ tạm thời.

Nghiên cứu tiến hành tại Đại học Stanford cho thấy “đa nhiệm” đem lại ít hiệu quả hơn làm một thứ duy nhất tại một thời điểm.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những người thường xuyên phải tiếp nhận dồn dập nhiều luồng thông tin thì khó tập trung, ghi nhớ hoặc chuyển từ việc này sang việc khác như những người hoàn thành từng nhiệm vụ một.

“Đa nhiệm” có phải là một kỹ năng đặc biệt?

Các nhà nghiên cứu Stanford so sánh một vài nhóm người dựa trên xu hướng làm nhiều việc một lúc của họ cùng niềm tin rằng nó sẽ giúp tăng hiệu suất công việc.

Thế nhưng, trên thực tế, kết quả lại chỉ ra những người làm quá nhiều việc một lúc thực sự kém khoản “đa nhiệm” hơn những người thường làm từng-việc-một.

Những người thường xuyên thực hiện nhiều việc một lúc thể hiện tồi hơn, bởi họ luôn phải sắp xếp các luồng suy nghĩ và lọc ra thông tin quan trọng. Bên cạnh đó, họ cũng chậm chạp hơn trong việc chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.

Kiêm nhiệm quá nhiều thứ làm giảm hiệu quả và phong độ, bởi bộ não của bạn chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm mà thôi. Khi bạn cố gắng làm hai việc một lúc, bộ não sẽ thiếu năng lực để có thể thực hiện thành công cả hai nhiệm vụ.

“Đa nhiệm” làm giảm chỉ số IQ

Ngoài việc khiến bạn chậm chạp, “đa nhiệm” còn làm giảm chỉ số IQ của bạn. Một nghiên cứu tại Đại học London chỉ ra rằng, những người tham gia thử nghiệm có điểm IQ giảm đi tương đương như khi họ hút cần sa hoặc thức trắng đêm.

IQ giảm đi 15 điểm ở những người trưởng thành làm việc “đa nhiệm” và lúc này chỉ tương đương với một đứa trẻ 8 tuổi. Vậy nên, lần tới khi đang trong cuộc họp mà bạn muốn viết email cho sếp, hãy nhớ rằng nó chẳng khác gì bức thư của một đứa trẻ 8 tuổi mà thôi.

Tổn thương não do làm nhiều việc một lúc?

Trước đây, người ta tin rằng sự suy giảm nhận thức do “đa nhiệm” chỉ là tạm thời, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy điều ngược lại.

Các nhà khoa học tại Đại học Sussex, Vương Quốc Anh so sánh lượng thời gian mọi người sử dụng nhiều thiết bị một lúc (chẳng hạn như nhắn tin trong khi xem TV) để chụp cộng hưởng từ não của những người tham gia.

Họ phát hiện ra những người làm một lúc nhiều việc có mật độ não ít hơn ở vùng thùy trán trước – khu vực chịu trách nhiệm về sự đồng cảm cũng như kiểm soát nhận thức và tình cảm.

Trong khi nhiều nghiên cứu đang được tiến hành thêm để xác định liệu “đa nhiệm” có thực sự gây ra tổn hại vật lý tới não bộ (ngoài những tác hại đã được nêu ra), rõ ràng là kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ một lúc sẽ đem đến những tác động tiêu cực.

Nhà thần kinh học Kep Kee Loh, tác giả chính của nghiên cứu giải thích:

“Tôi cảm thấy chúng ta cần nhận thức được việc tiếp xúc với các thiết bị có thể thay đổi cách suy nghĩ và những thay đổi này có thể xảy ra ở cấp độ cấu trúc não bộ”.

Kết nối EQ

Không có gì làm mất hứng hơn là nói chuyện với ai đó khi họ cứ cắm mặt vào điện thoại hoặc máy tính bảng suốt buổi. Hay khi bạn vừa tham gia buổi họp lại vừa nhắn tin, làm việc riêng trong các hoạt động chung khác cũng cho thấy kỹ năng quản lý bản thân và kỹ năng nhận thức xã hội thấp – hai kỹ năng trí tuệ cảm xúc (EQ) rất quan trọng để thành công.

TalentSmart đã tiến hành thử nghiệm trên hơn một triệu người và thấy rằng 90 phần trăm những người dẫn đầu về hiệu suất có chỉ số EQ cao. Nếu “đa nhiệm” thực sự gây ra thiệt hại cho vùng thùy trán trước (vùng não chính của EQ) như nghiên cứu hiện nay cho thấy, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng đến thế nào!

Tóm lại

Làm nhiều việc một lúc là một thói quen bạn không nên nuông chiều – nó rõ ràng làm bạn chậm lại và làm giảm chất lượng công việc. Thậm chí nếu nó không gây ra những vấn đề với não, việc bạn kiêm nhiệm quá nhiều thứ một lúc sẽ khuếch đại những khó khăn trong việc tập trung, sắp xếp và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn.

Theo Trí Thức Trẻ