Triết lý kinh doanh tử tế

Có lẽ, truyền thông nước ta chưa bao giờ “nóng” và sửng sốt như thời điểm 3 năm qua, nhất là năm 2016, khi lần lượt các “ông lớn” đầy quyền năng gặp phải “sự cố truyền thông” lớn khiến thương hiệu bị “sứt mẻ” nghiêm trọng. Nhiều người đã tự hỏi: Điều gì đang diễn ra?


Ảnh minh họa

Quyền lực của thế hệ Millennials

Sự phát triển của mạng xã hội đưa đến cơ hội rộng mở hơn cho các doanh nghiệp nhỏ khi tiếp cận trực tiếp đối tượng khách hàng của mình, được quyền “chọn lọc” có sự hỗ trợ của công cụ bằng thuật toán, thì ngược lại, nó mang đến cho các doanh nghiệp lớn những rủi ro không báo trước. Kiểu “nói về chúng tôi” xưa rồi, giờ là kiểu “nói về chúng ta”.

Tại sao ư? Bởi nếu kể “câu chuyện chúng tôi”, bạn chỉ dùng được nguồn lực tự thân trong doanh nghiệp, phải trả rất nhiều chi phí để kể một câu chuyện hoàn chỉnh, nhưng nếu “chúng ta” ngoài kia không cảm thông, không chấp nhận, không chia sẻ giá trị mà bạn nghĩ rằng mình có, thì “chúng ta” ấy lại dễ dàng vận dụng nguồn lực xã hội khác để phủ nhận, chỉ trích “câu chuyện chúng tôi” mà bạn dày công vun xới. Vậy mới xảy ra những câu chuyện khủng hoảng gây chấn động ngành truyền thông ba năm qua, lại rơi vào những “ông lớn” giàu mạnh, lão luyện, sừng sỏ.

Nếu trước đây, các chương trình xã hội dành cho cộng đồng được xem như phần phụ trong các hoạt động truyền thông – quảng bá của nhãn hàng, thì nay, sự khác biệt trong tư duy của người tiêu dùng đã khiến cho cục diện hoàn toàn thay đổi. Xu hướng “kinh tế chia sẻ” trên thế giới hiện đã ào vào thị trường nước ta với sự xuất hiện của sàn cho thuê xe, sàn cho thuê giáo viên và sắp tới sẽ có nhiều sàn khác, điểm xuất phát của tất cả loại hình này đều mang một ý nghĩa như nhau: giải quyết các bài toán cho cộng đồng, mang lại nhiều giá trị thặng dư hơn nữa cho cộng đồng.

Thật dễ để hiểu ra rằng những đề tài mà người tiêu dùng quan tâm nhất sẽ xoay quanh đến con người, môi trường và cộng đồng. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý đến một khái niệm mới trong kinh doanh, đó là khái niệm nguồn vốn xã hội. Đó là tài sản vô hình, là tài sản uy tín xã hội của một doanh nghiệp và có tầm quan trọng ngang với vốn tiền mặt hay vốn con người.

Theo nghiên cứu của KPCB, thế hệ Millennials – những người sinh ra từ năm 1980 đến năm 2000 – thế hệ chi tiêu chính của thị trường hiện nay và tương lai trong 5-10 năm tới, chiếm hơn 35% dân số toàn cầu, là thế hệ những người tiêu dùng thông minh và có đầy đủ công cụ hỗ trợ. Thế hệ Millennials thường không rời khỏi chiếc điện thoại và có xu hướng thực hiện mọi thứ liên quan đến tiêu dùng qua điện thoại trong vòng năm năm nữa.

Có đến 87% số người được hỏi trong thế hệ này cho biết họ sẽ không rời điện thoại bất kể ngày hay đêm. Điều gì xảy ra nếu họ dùng điện thoại là chủ yếu mà bỏ qua tất cả các phương tiện truyền thông khác?

Hãy nhìn những nội dung đang được yêu thích – lan truyền mạnh mẽ trên điện thoại của các Millennials trong hai năm trở lại đây. Đó có phải là thú cưng, trẻ em, tình yêu thương, sự che chở? Có phải là ước mơ thoát nghèo, sách, nghệ thuật của sự giản dị và gia đình? Có phải là một môi trường sống bình yên, tươi vui?

Thế giới đã dịch chuyển về phía sự tử tế

Theo nghiên cứu tiêu dùng của Công ty IBM, cả thế giới đang có những biến động lớn về giá trị đạo đức và xã hội. Người tiêu dùng tương lai muốn doanh nghiệp phải làm đúng lương tâm, làm những việc có đạo đức.

Niềm tin của người tiêu dùng đối với các tổ chức, chính phủ, doanh nghiệp ngày càng ít dần và sự lên ngôi của mạng xã hội đã kết nối người tiêu dùng lại với nhau. Người tiêu dùng chỉ tin tưởng những người tiêu dùng khác.

Do đó, doanh nghiệp không còn nhiều lựa chọn, hoặc là đặt ra cho doanh nghiệp mình một mục đích cao cả trên cả lợi nhuận để lấy được tình cảm, lòng tin và túi tiền của người tiêu dùng, hoặc là phá sản.

Nói thì nghe dễ, nhưng đặt vào trong vận hành doanh nghiệp, đụng đâu cũng thấy khó. Cô chủ của một trường dạy nghệ thuật cho trẻ em kể chuyện, màu vẽ có xuất xứ từ Nhật đắt gấp ba lần màu có xuất xứ từ Trung Quốc, mà phụ huynh thì đâu có quan tâm là màu đó từ nước nào.

Họ chỉ quan tâm đến giá dạy vẽ của trung tâm mình cao hơn trung tâm khác nhiều không! “Đấu tranh dữ lắm chị”, cô nói, rồi cuối cùng cũng chọn màu có xuất xứ từ Nhật. Cô kết luận rằng, để giữ được sự tử tế thì mình phải hy sinh một phần lợi nhuận.

Trong câu chuyện với một đối tác khác, anh chia sẻ kết quả của chương trình cộng đồng dành cho sinh viên (triển khai tại 30 trường đại học – cao đẳng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 9 đến tháng 12/2016) và nói rằng “cái mình nhận lại được lớn nhất chính là sự nhìn nhận của nhà trường, sinh viên, xã hội về ý nghĩa của hoạt động”. Lâu quá rồi chúng tôi mới nghe được câu nói thấm thía như vậy từ một nhãn hàng. Đó thực sự là tư duy của sự phát triển, của tương lai.

Thời đại của người tiêu dùng thông minh chính là thời đại của người kinh doanh tử tế, bởi nếu loại bỏ chữ tử tế ra khỏi triết lý kinh doanh của mình, doanh nghiệp cũng đồng thời loại bỏ chính mình. Tiếng nói của tương lai phải là “tiếng nói của chúng ta”. Khoảng cách giữa “chúng tôi” và “chúng ta” tưởng rất gần, nhưng thật ra cũng xa diệu vợi. Bởi để đến được chữ “ta”, doanh nghiệp phải hy sinh cái lợi trước mắt, phải dũng cảm rời bỏ con đường cũ kỹ đang đi, để đương đầu khám phá con đường mới. Nhưng doanh nghiệp còn lựa chọn nào khác không?

Theo DNSG