Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ban hành Quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi Quyết định 37/2014 chỉ ghi lĩnh vực cũng như các tiêu chí phân loại thì Quyết định mới đây của Thủ tướng được ban hành kèm theo Phụ lục “chỉ mặt đặt tên” rõ các doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn nắm giữ để làm cơ sở thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 – 2020 làm cơ sở phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước hiện có và tiếp tục bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới đến năm 2020.
Ngoài các doanh nghiệp trong danh mục sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công ty thủy nông sẽ thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ còn 103 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Trong tổng số 240 doanh nghiệp được đưa vào diện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, sẽ có 103 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% tập trung ở lĩnh vực an ninh quốc phòng, xổ số, nhà xuất bản,… và một số Tập đoàn, Tổng công ty lớn.
Danh sách 240 doanh nghiệp này sẽ có 103 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100%. Trong đó, có 59 công ty hoạt động trong lĩnh vực xổ số. Phần lớn các công ty xổ số trực thuộc UBND tỉnh, thành phố; riêng Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trực thuộc Bộ Tài chính.
Cùng với đó, 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản cũng tiếp tục là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn chiếm tỷ lệ áp đảo với 106 doanh nghiệp. Ngoài ra, sẽ có 4 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn và 27 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50-65% vốn.
Trong danh sách sắp xếp giai đoạn 2016-2020, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn cũng sẽ do Nhà nước sở hữu 100% vốn chỉ còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).
NHNN chỉ còn nắm giữ 100% vốn tại 5 ngân hàng bao gồm hai ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và ngân hàng Phát triển Việt Nam, ba ngân hàng nhà nước mua lại 0 đồng.
Thoái vốn tại một loạt ông lớn: Cơ hội từ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước 2016-2020
Tới năm 2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sẽ không còn là ngân hàng 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, NHNN vẫn sẽ nắm giữ trên 65% vốn tại đây. Ngoài ra, Vinacomin và PVEP (Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí) cũng sẽ được giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức trên 65%. Tổng số doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 65% vốn là 4 doanh nghiệp.
Trong khi đó, số lượng DN do Nhà nước nắm giữ 50-65% vốn là 27 doanh nghiệp bao gồm VNPT, Mobifone, Tổng công ty Hóa chất, Vinafood1, Vinafood2, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Cà phê…
5 Tổng công ty điện lực cũng nằm trong danh mục thoái vốn của Nhà nước giai đoạn 2016-2020, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 50-65%
Số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn chiếm tỷ lệ áp đảo với 106 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, sở hữu thương hiệu “vàng” của Việt Nam sẽ được Nhà nước thoái vốn và không còn nắm giữ tỷ lệ chi phối như VTV Cab, VTV Broadcom, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), Saigon Tourist, HanoiTourist, Hapro,…
Đây đều là những doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Như với trường hợp của Hapro, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ phấn đấu để tháng 1/2017 hoàn thành cổ phần hóa Hapro với giá trị xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Sở hữu thế mạnh về mặt bằng trong khi các doanh nghiệp cùng ngành luôn phải giải bài toàn tìm mặt bằng để mở rộng chuỗi hệ thống, nhưng hiệu quả hoạt động của oanh nghiệp bán lẻ nhà nước này lại khá thấp. Việc UBND Tp, Hà Nội rốt ráo cổ phần hóa Tổng công ty này có thể cải thiện hiệu quả quản trị của doanh nghiệp đồng thời mở ra cơ hội đầu tư từ việc Nhà nước thoái vốn, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước 2016-2020.
Nhà nước cũng sẽ giảm vốn và không nắm giữ sở hữu chi phối tại Tổng công ty Sông Đà, PVOil, Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (BSR), SBIC (tiền thân là Vinashin), ba Tổng công ty Phát điện…
Theo ndh