Muôn kiểu mất tiền của nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2016

Năm 2016, TTCK Việt Nam xuất hiện rất nhiều cổ phiếu đột ngột giảm sâu hàng chục phiên (thậm chí giảm sàn) khiến cổ đông thiệt hại nặng nề.


Ảnh minh họa

TTCK Việt Nam chuẩn bị khép lại năm 2016 với mức tăng trưởng 15% của chỉ số VnIndex. Năm qua, thị trường xuất hiện rất nhiều cơ hội đầu tư với không ít mã tăng bằng lần như CTD, VCS, HSG…nhưng cũng tồn tại khá nhiều cổ phiếu giảm sâu, thậm chí “bay hơi” gần hết giá trị, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông nắm giữ.

Hàng loạt cổ phiếu đột ngột “gãy cánh”

Đúng như tên gọi, năm 2016 xuất hiện rất nhiều cổ phiếu đột ngột giảm sâu hàng chục phiên (thậm chí giảm sàn trong tình trạng mất thanh khoản) dù rằng trước đó tăng trưởng rất đều với thanh khoản tương đối ổn định.

Hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp có cổ phiếu “gãy cánh” đều cho rằng cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi “tin đồn thất thiệt” dẫn tới áp lực bán gia tăng. Ngoài ra, việc các CTCK đồng loạt cắt margin càng khiến tình hình thêm phần trầm trọng. Tuy vậy, những lời trấn an cổ đông này dường như không có nhiều tác động và hầu hết các cổ phiếu vẫn tiếp tục lao dốc. Những cái tên tiêu biểu cho kiểu giảm sốc này có thể kể tới TNT , NHP , FID , BII , MBG , G20 , HQC …

 Cổ phiếu BII đột ngột gãy cánh trong năm 2016

Cổ phiếu BII đột ngột “gãy cánh” trong năm 2016

Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp trên chỉ mới lên sàn trong khoảng 2 năm trở lại đây và kết quả kinh doanh đa phần đều giảm mạnh ngay sau khi lên sàn.

Lấy ví dụ từ trường hợp BII, doanh nghiệp đã niêm yết trên HNX từ tháng 9/2014 với lợi nhuận năm 2014 đạt hơn 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2015, lợi nhuận công ty đã giảm mạnh xuống còn gần 11 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận chỉ còn chưa tới 5 tỷ đồng, cách khá xa so với mục tiêu lãi ròng 40 tỷ đã được ĐHCĐ thông qua.

Cổ phiếu mới lên sàn: Tăng mạnh rồi giảm sâu

Năm 2016, TTCK đón nhận lượng lớn cổ phiếu đăng ký giao dịch/niêm yết mới và điều này giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn. Tuy vậy, một điều đáng nói là khá nhiều cổ phiếu sau khi lên sàn đã giảm rất sâu như trường hợp TTH , DAH , HCD , MTM …

Kịch bản chung của các cổ phiếu này là tăng rất mạnh, thậm chí tăng trần trong 2-3 phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, sau quãng thời gian ngắn ngủi đó, các cổ phiếu này đồng loạt giảm sâu và thị giá chỉ còn khoảng 50% so với lúc lên sàn. Rõ ràng, nhà đầu tư trót mua vào trong những phiên đầu tiên đã gánh chịu thiệt hại nặng nề khi cổ phiếu giảm giá.

 Tăng mạnh trong 2-3 phiên đầu lên sàn rồi lao dốc

Tăng mạnh trong 2-3 phiên đầu lên sàn rồi lao dốc

Cũng trong năm 2016, TTCK Việt Nam còn ghi nhận một câu chuyện đáng buồn về cổ phiếu mới lên sàn, đó là trường hợp MTM của CTCP mỏ và XNK khoáng sản miền Trung. Diễn biến giao dịch MTM cũng đi theo kịch bản khá quen thuộc khi tăng mạnh trong vài phiên đầu lên sàn rồi lao dốc. Chỉ sau 2 tháng lên sàn UPCoM, MTM đã bị tạm dừng giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư “kẹp hàng”. Hiện tại, ban lãnh đạo công ty người bị tạm giam, người bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều tên tuổi lớn cũng lao dốc

Không chỉ các cổ phiếu mới lên sàn giảm mạnh trong năm qua mà ngay cả một số cổ phiếu lớn, tên tuổi trên thị trường như HNG , TTF , OGC cũng có một năm giao dịch đáng quên.

Nếu như OGC vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ vụ việc ông Hà Văn Thắm dẫn tới giá cổ phiếu chỉ còn quanh ngưỡng 1.000 đồng thì cổ phiếu HNG, TTF cũng giảm khá sâu vì những lý do khác biệt.

Với TTF, sau sự cố hàng tồn kho khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh, cổ đông lớn Tân Liên Phát tạm dừng chuyển đổi khoản vay hay những biến động lớn trong ban lãnh đạo, cổ phiếu TTF đã rơi một mạch từ vùng giá 45.000 đồng (tháng 7/2016) xuống còn 6.000 đồng, tương ứng mức giảm lên tới 85%. Hiện tại, TTF đã bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt và chỉ còn giao dịch trong buổi chiều. Với nhiều nhà đầu tư, việc TTF lao dốc là một điều hết sức bất ngờ bởi doanh nghiệp này đã có sự cải tổ mạnh mẽ trong trong vài năm gần đây với sự tham gia của VinGroup.

 Cổ phiếu TTF lao dốc sau sự cố hàng tồn kho

Cổ phiếu TTF lao dốc sau sự cố hàng tồn kho

Còn với HNG, từ vùng 30.000 đồng trong giai đoạn đầu năm 2016, thị giá cổ phiếu hiện chỉ xoay quanh vùng 6.000 đồng, tương ứng mức giảm 80%. Vấn đề với cổ phiếu HNG trong năm qua là việc giá các loại hàng hóa nguyên liệu trên thế giới, đặc biệt là cao su giảm sâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, giá cao su, cọ dầu đã dần hồi phục trở lại và đây thực sự là tin vui với cổ đông HNG cũng như HAG trong những ngày cuối năm.

Theo Trí Thức Trẻ