Siemens đang đặt rất nhiều hy vọng vào Pete. Anh là một thanh niên dễ thương, vui vẻ, lịch sự và luôn sẵn lòng giúp đỡ. Anh là một nhân vật hoạt hình trong Plantville, game video trực tuyến mới nhất của Siemens, mô phỏng cách thức điều hành một nhà máy. Mục tiêu đặt ra cho Pete là đưa 3 xưởng sản xuất èo uột hoạt động hiệu quả trở lại, đáp ứng được các đơn hàng, có thể tuyển dụng thêm, bố trí lại dây chuyền sản xuất, mua sắm và đưa vào vận hành các thiết bị mới của Siemens.
“Game hóa” thành trào lưu
Tập đoàn Siemens của Đức, vốn nổi tiếng với việc xây dựng các nhà máy điện, sản xuất tàu hỏa và lắp ráp thiết bị điện tử, nay tạo ra “trò chơi” này nhằm thúc đẩy doanh thu và giúp nhân viên hiểu thêm về các sản phẩm của Tập đoàn. Bởi vì “nhân viên thường bị đóng kín trong phòng ban và không thấy được toàn bộ dòng sản phẩm của công ty”, Tom Varney, Phụ trách Truyền thông và Tiếp thị của Siemens nhận định.
Siemens tham gia cùng một loạt tập đoàn lớn, từ chuỗi khách sạn Embassy Suites củaHilton, cho đến nhà sản xuất phần mềm SAP của Đức, trong việc tận dụng công nghệ mới nhất để tiếp cận khách hàng và nhân viên hiệu quả hơn. Xu hướng game hóa này giúp các doanh nghiệp đưa những yếu tố hấp dẫn của game vào các ứng dụng vốn không liên quan đến game.
Đã từ lâu, các công ty như hãng kem Cold Stone Creamery hay hãng chuyển phát nhanh United Parcel Service (UPS) cũng đã sử dụng game để đào tạo nhân viên.
Thị trường game hóa, có giá trị khoảng 100 triệu USD năm 2011, ước tính sẽ tăng đến 1,6 tỉ USD vào năm 2015, theo dự báo của Wanda Meloni, sáng lập viên của M2 Research, một công ty tư vấn chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp game.
Việc game hóa còn cho phép đưa ứng dụng game vào công tác tiếp thị, thiết kế sản phẩm và cả các công việc hằng ngày. Nó cũng giúp hạn chế mặt yếu của các hình thức quảng cáo và tiếp thị truyền thống, Gabe Zichermann nhận định. Gabe Zichermann là CEO của Gamification, công ty tư vấn cho các doanh nghiệp có nhu cầu triển khai game hóa. “Chúng tôi có quá nhiều khách hàng mà chưa đáp ứng hết được”, ông cho biết.
Nissan Motor đưa game hóa vào Nissan Leaf, dòng xe điện mới nhất. Công ty Nhật này sử dụng công nghệ cho phép người lái tiết kiệm năng lượng. Khi chiếc xe chạy ở chế độ “eco”, (tạm dịch là tiết kiệm), bộ tăng tốc sẽ dùng đến một cơ chế điều khiển có thể phát hiện ra việc sử dụng năng lượng quá mức cần thiết. Người lái sẽ được báo ngay về việc này. Đồng thời cổng thông tin trực tuyến kết nối với bảng điều khiển của xe sẽ cập nhật hiện trạng tiết kiệm năng lượng của người lái và so sánh với các người lái khác trong khu vực. Người sử dụng năng lượng hiệu quả nhất sẽ được trao các huy chương kim cương, vàng, bạc và đồng.
Tương tự như vậy, các thu ngân ở chuỗi siêu thị đồ điện tử Target nổi tiếng của Mỹ cũng nhận được điểm số cho mỗi lần tính tiền xong cho khách hàng. Điểm số này được tính toán trên cơ sở tốc độ thực hiện giao dịch và hệ thống sẽ đưa ra đánh giá tỉ lệ thành công sau nhiều giao dịch.
Phải hiểu tâm lý con người
Siemens đã mất 1 năm để thiết kế Plantville, với sự hợp tác của các công ty hàng đầu của Mỹ. Plantville có thể được tải xuống từ Plantville.com và Siemens đang dùng tất cả các hình thức quảng cáo, mạng xã hội và truyền miệng để giới thiệu game này. Vẫn còn quá sớm để thấy được kết quả, nhưng ít ra Siemens đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía nhân viên.
Chuỗi khách sạn Embassy Suites cũng đang dùng game trong chiến dịch khuyến mại đến các khách hàng trung thành. Chiến dịch này nhắm đến 50.000 khách hàng trung thành nhất của Embassy Suites, sử dụng 10 cách tiếp cận khác nhau để mời họ tham gia, bao gồm gửi thư trực tiếp, thư điện tử và điện thoại. Kết quả là 5.000 người được gửi email là nhóm đóng góp doanh thu nhiều nhất: 200.000 USD trong tổng số 1 triệu USD thu được từ chiến dịch này.
Có lẽ game sẽ được dùng hiệu quả nhất trong tiếp thị vì nó luôn mang đến yếu tố bất ngờ, làm cho khách hàng vui vẻ, nhất là khi chiến thắng và được thưởng. Barry Kirk, Phó Chủ tịch Maritz, cho rằng khi được nhận phần thưởng, não bộ sẽ sản sinh một chất gọi là dopamine, làm cho con người cảm thấy dễ chịu. “Không thể game hóa nếu không hiểu được cơ chế làm việc của bộ não người”, Kirk nói.
Còn tác giả Dignan, tác giả cuốn Game Frame (tạm dịch Thiết kế Game), cho rằng các chuyên gia thiết kế game phải giỏi trong việc hiểu tâm lý người, xác định được cái gì thúc đẩy người ta làm việc. Do vậy game hóa sẽ rất thích hợp cho các doanh nghiệp muốn cải thiện năng suất và hiệu quả làm việc của nhân viên. Ông nhận xét: “Đó là vấn đề quản lý động lực làm việc, duy trì hiệu suất lao động và sự gắn bó của nhân viên”.
Các doanh nghiệp cũng cần chú ý tránh việc sử dụng game hóa một cách hình thức, ví dụ như việc tạo ra các điểm số vô nghĩa, không có tác dụng cải thiện hành vi của nhân viên. Đây là khuyến nghị của Aaron Dignan. Hy vọng xu hướng này sẽ phát triển thành một lĩnh vực có chiều sâu hơn các ứng dụng hiện nay. Các nhà quản lý cũng cần đặc biệt chú ý đến các hậu quả không mong muốn, như việc hệ thống game bị tấn công hoặc nhân viên quá chú trọng đến các yếu tố phụ không phải là mục đích chính của game.
Game cho nhà quản trị
Công ty phần mềm SAP thì lại muốn dùng game để giúp các thành viên hội đồng quản trị
chuẩn bị các cuộc họp. Các vị này thường rất vất vả đọc các tập hồ sơ đầy những biểu mẫu báo cáo về kinh doanh. SAP đã phát triển một ứng dụng đặc biệt trên iPad, dùng các yếu tố game đồ họa biểu diễn các kết quả một cách trực quan sinh động để thu hút sự chú ý.
Ứng dụng này sẽ được hoàn thành trong vòng 3, 4 tháng tới. SAP cũng đang nỗ lực sử dụng game để giúp phần mềm của mình dễ dùng hơn, thân thiện hơn với nhân viên và khách hàng.
Siemens dùng game không chỉ để giữ chân nhân viên hiện tại mà còn để thu hút các nhân viên mới. Ông Varney thuộc Siemens cho biết: “Plantville có thể sẽ được phổ biến trong các trường trung học và cao đẳng”. Ông cũng hy vọng trò chơi này sẽ làm cho ngành sản xuất hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ. “Chúng tôi mong sẽ xuất hiện một lớp những nhà quản lý xưởng sản xuất mới”, ông nói.
Theo Saga