Hoa hồng hay bánh mỳ: Câu hỏi kinh điển về quy luật đánh đổi đau đớn, ai trải qua tuổi trẻ cũng cần biết

Sự đánh đổi – từ bỏ một thứ để có được thứ khác – là nguồn gốc của mọi chi phí cơ hội.


Ảnh minh họa

Ai cũng tìm thấy một phần của mình trong đó, thứ cảm giác còn đọng lại với bất kỳ ai xem bộ phim La La Land.

La La Land, bộ phim đẹp đầy đủ cung bậc cảm xúc từ điên rồ của tuổi trẻ, mắc kẹt của những con người theo đuổi ước mơ khác người, vật vã giữa ước mơ và hiện thực cơm áo gạo tiền và hối tiếc của tuổi trưởng thành.
Xuyên suốt phim là câu chuyện tình yêu rất thực giữa Mia- một cô gái bỏ trường Luật để theo đuổi giấc mơ diễn viên và Sesbastian- một anh chàng nhạc công thất nghiệp nuôi ước mơ phục hưng lại nhạc Jazz cổ điển đang chết dần. Nửa đầu câu chuyện là những buổi hẹn hò say đắm, lãng mạn, dìu nhau qua những khó khăn để đi tới giấc mơ của mình. Thế nhưng càng về sau hiện thực phũ phàng ngày càng rõ nét.

Đến những thời điểm Seb và Mia đều phải đưa ra những lựa chọn đau đớn: Tình yêu hay sự nghiệp? Thậm chí họ còn phải học cách hy sinh để đạt được mục đích, buộc phải tìm ra thứ ưu tiên của mình. Đó là cách Seb chọn tham gia ban nhạc The Messenger, chơi thứ nhạc anh vốn rất ghét để kiếm tiền nuôi giấc mơ có một ban nhạc riêng. Đó là cách Mia sau trăm lần thất bại, khi cơ hội đến cũng đã chọn đến Paris theo đam mê diễn xuất từ bé. Mia cũng chọn đánh đổi tình yêu với Seb để bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp.

Hoa hồng hay bánh mỳ? Tình yêu hay sự nghiệp? Những quyết định đánh đổi mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt, từng được các nhà kinh tế học tổng kết rằng sự đánh đổi – từ bỏ một thứ để có được thứ khác – là nguồn gốc của mọi chi phí cơ hội.

Nó là trọng tâm của hoạt động điều hành và là thứ rất mâu thuẫn. Càng thành công, bạn càng phải đối mặt với nhiều chi phí cơ hội. Thực ra, thước đo thành công chính là khả năng dám đánh đổi của nhà điều hành hay bất kỳ ai, thứ có thể khiến họ sợ hãi và đau khổ.

Các nhà kinh tế học cho rằng mỗi nhà điều hành đều phải đối mặt với hai nhiệm vụ. Một là sử dụng lòng can đảm, kỹ năng, tính kiên nhẫn và sự sáng tạo để tạo ra sự đánh đổi ở nơi thiếu nó. Nếu bạn không phải đánh đổi thì tức là công ty của bạn không được quản lý hiệu quả.

Nếu bạn chưa từng phải bớt thứ này để có thêm thứ kia thì tức là bạn có thể có thêm mọi thứ với điều kiện là bạn quản lý hoặc tổ chức công việc tốt hơn. Điều này, đến lượt nó, lại cho thấy rằng trong hệ thống có quá nhiều phần thừa cần phải loại bỏ. Hai là quản lý những sự đánh đổi này theo cách tốt nhất có thể, cân đối giữa được và mất theo cách có lợi cho doanh nghiệp của bạn nhất, được nhiều nhất và mất ít nhất.

Vậy chi phí cơ hội là gì? Các nhà kinh tế học có rất nhiều cách kỳ lạ để định nghĩa và tính toán các loại chi phí. Thay vì đưa ra những câu hỏi như: Tôi mất bao nhiêu chi phí cho nó? Hay tôi phải trả bao nhiêu tiền cho nó? Thì họ lại luôn đặt ra câu hỏi: Tôi phải mất gì để có nó?

Câu hỏi tưởng chừng như rất kì lạ này hóa ra lại rất hữu ích đối với những ai thường xuyên sử dụng nó để phân tích chi phí. Mọi chi phí đều là những cơ hội bị mất đi dù theo cách này hay cách khác, nhưng không phải cơ hội bị mất nào cũng rõ ràng. Chi phí cơ hội – thứ bạn phải mất đi để có được một thứ khác – là một khái niệm quan trọng trong thị trường tài chính và đầu tư.

Có thể bạn sẽ buồn cho những Mia, Seb rồi sẽ lại quên ngay nhưng quy luật đánh đổi này luôn tồn tại, hiển hiện trong cuộc sống mà bạn không để ý tới.

Bạn chọn dành thời gian lướt facebook, cập nhật những tin tức vui vẻ hay chọn đọc một trang sách có ích? Bạn chọn đi chơi cuối tuần hay cày cuốc học một thứ ngoại ngữ mới? Tất cả những quyết định đều đòi hỏi sự đánh đổi và điều bạn cần nhớ là giá trị mình sẽ thu lại được là bao nhiêu.

Theo Trí Thức Trẻ