4 tư duy khác biệt của nhà lãnh đạo giỏi

Theo doanh nhân Donald Thompson, người làm lãnh đạo thường cảm thấy cô đơn nên đôi lúc họ không muốn ra những quyết định làm phật lòng cấp dưới. 


Ảnh minh họa

Donald Thompson là Chủ tịch, CEO của Creative Allies – một cộng đồng thiết kế trực tuyến nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực gồm âm nhạc, hội họa, điện ảnh, với sự tham gia của hơn 150.000 nhà thiết kế cùng hơn 180.000 người hâm mộ. Ông còn được biết đến với vai trò là CEO của công ty công nghệ I-Cubed và là nhà đầu tư của Walk West.

Xuất thân không phải là dân công nghệ thông tin nên khi nhận lời đảm nhiệm vai trò CEO cho công ty công nghệ, Thompson từng rơi vào bế tắc vì không kết nối được với nhân viên của mình. Tuy nhiên, chính nhờ trải nghiệm này mà ông phát hiện ra những trở ngại tâm lý thường gặp của giới lãnh đạo, từ đó tìm cách vượt qua chúng. 

4 tư duy khác biệt của nhà lãnh đạo giỏi doanhnhansaigon
Doanh nhân Donald Thompson
Dưới đây là 4 tư duy khác biệt của các nhà lãnh đạo giỏi, dưới góc nhìn của CEO Thompson, được giới thiệu trên trang CNBC:

1. Nhà lãnh đạo nên được tôn trọng hơn yêu mến

Hình ảnh một nhà lãnh đạo được yêu mến với một người được cấp dưới nể sợ, cái nào sẽ tốt hơn? Đối với Thompson, ông chọn cách tỏ ra khó khăn nhưng được nhân viên tôn trọng.

Một trong những trở ngại tâm lý đối với nhiều lãnh đạo là họ muốn được mọi người yêu mến hơn là được tôn trọng. Thực tế, điều này không dễ thực hiện được bởi dù họ có chiếm được cảm tình của nhân viên thì vào những thời điểm ra những quyết định (sa thải nhân viên, khiển trách cấp dưới, phân công công việc,…), mối quan hệ tốt đẹp ấy ít nhiều cũng bị sứt mẻ.

Công việc lãnh đạo thường gắn liền với nỗi cô đơn. “Có lần bố tôi, một huấn luyện viên bóng đá nghỉ hưu, nói thế này: Mỗi ngày ra sân tập luyện, các cầu thủ có thể không thích ta nhưng khi họ ghi bàn thắng đầu tiên và thăng tiến trong sự nghiệp, họ sẽ tôn trọng những điều ta đã giúp họ làm nên thành công”, Thompson cho biết.

CEO này cho rằng việc nhà lãnh đạo càng cố tỏ ra thân thiện có thể khiến mọi chuyện trở nên phức tạp, thậm chí ảnh hưởng tới kết quả công việc chung. Có không ít nhà lãnh đạo không đủ dũng khí ra quyết định đúng đắn chỉ vì không muốn làm phật lòng cấp dưới.

2. Thành công lớn luôn bắt đầu từ những việc nhỏ

Nhiều người dám mơ lớn nhưng không bao giờ đạt được giấc mơ đó vì không bắt tay vào làm hoặc không đủ kiên nhẫn theo đuổi chúng, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

“Cách đây vài năm, tôi có thuê một một nhà lãnh đạo làm việc cho công ty. Vị này đã dành 3 tháng để lập một chiến lược marketing công phu nhưng khi hỏi ra mới biết, ông chưa một lần thử nghiệm một chi tiết nhỏ nào ra thực tế”, Thompson nhớ lại. Đối với ông, thành công chỉ đến với những người dám mơ lớn, chịu khó làm việc theo mục tiêu đã đề ra.

3. Không có ngày nào là tồi tệ

Một trong những khả năng quan trọng của nhà lãnh đạo giỏi là phân biệt rõ ràng giữa việc công và việc tư. Họ hạn chế để những vấn đề ngoài lề ảnh hưởng đến công việc, không để cảm xúc cá nhân chi phối lúc ra quyết định.

Những nhà lãnh đạo giỏi mà Thompson quen chia sẻ, lúc gặp khó khăn họ thường có một câu thần chú: “Không có ngày nào là tồi tệ”.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa bạn phải ép bản thân tỏ ra bình thản trước mọi chuyện. CEO Creative Allies nhận định, nhà lãnh đạo cần biết rút kinh nghiệm sau thất bại và áp dụng bài học đó để thành công. 

4. Có thể sợ hãi nhưng nên biết cách xác định rủi ro

“Không ai trên đời là không sợ bất cứ điều gì. Nếu có thì họ chỉ đang tỏ vẻ như thế. Do đó, nếu bạn cảm thấy lo sợ khi gặp khó khăn, điều bạn cần làm là lấy lại bình tĩnh, xoa dịu cảm giác lo sợ, sau đó phân tích vấn đề để xác định đúng những rủi ro có thể xảy đến”, ông nói. 

Đừng để cảm giác thiếu tự tin ảnh hướng đến việc xác định những rủi ro thực sự đối với doanh nghiệp.

Theo DNSG