Giám đốc một công ty nọ đã từng than phiền rằng một số nhân viên của bà ta đã xin thôi việc sau khi tiếp xúc với các headhunter. Vị giám đốc này đã chỉ định cho cô thư ký lập hẳn một danh sách các “nhân vật đáng ngờ” và cô thư ký này hầu như không được phép nối điện thọai của các nhân vật có tên trong “sổ đen” với các nhân viên công ty. Và các nhân vật đáng ngờ này, phần lớn chính là các tay “thợ săn” lọc lõi . Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này, hơn nữa, chưa chắc phương pháp đó đã mang lại hiệu quả. Headhunter chính là các “thợ săn” chuyên nghiệp, họ biết giấu mình một cách khéo léo để rình con mồi và chộp nó một cách thiện nghệ nhất. Họ có cách thuyết phục thật đáng kính nể, và có thừa kinh nghiệm để có thể đạt được mục đích của mình một cách hiệu quả.
Ví dụ, có một ai đó gọi điện đến công ty Bạn, tự xưng là đại diện cho một tổ chức hay một cơ quan nào đó hiện đang tổ chức hội thảo về vấn đề thuế giá trị gia tăng. Người này muốn được nói chuyện với kế toán trưởng của công ty Bạn về vấn đề trên. Cô thư ký, có lẽ vì quá vội vàng để gửi một công văn nên đã vô tình nói tên của vị Kế toán trưởng. Riêng điều này cũng đã là thắng lợi đầu tiên của headhunter nọ, anh ta/chị ta đầu tiên cũng chỉ cần biết đến tên của “con mồi”. Và lần sau, trong vai một cán bộ ngân hàng, headhunter này lại lên sẵn một kịch bản khác với cô thư ký ngây thơ nọ. Với lý do nhầm lẫn trong tính toán lãi suất tiền vay, headhunter lại một lần nữa “qua mặt” cô thư ký một cách ngoạn mục để tiếp cận với “con mồi”.
Bằng những phương thức kiểu như vậy mà xác suất “trúng” mồi của các tay “thợ săn” này tương đối cao, khoảng 70-75%. Mỗi một headhunter có kiểu “chụp” mồi riêng, nhưng những kiểu “vờn” mồi ban đầu thì có lẽ na ná giống nhau.
Nói như vậy để thấy rằng trình độ của các thư ký hiện nay là chưa cao. Qua thư ký là có thể hỏi được vô số chuyện, kể cả những chuyện thuộc diện bí mật kinh doanh. Rất hiếm có một cô thư ký, tiếp tân có khả năng phân biệt được những người nào nên tiếp chuyện, còn những người nào thì không được phép nối với nhân viên công ty.
Mới đây, tại Matxcơva đã diễn ra cuộc hội thảo chuyên đề về “Hiệu quả làm việc của các thư ký” do hãng CBSD tổ chức. Tại buổi hội thảo này, các thư ký và tiếp tân được dạy cách nhận biết ai là headhunter gọi đến. Có thư ký đã bộc bạch rằng, dĩ nhiên cô không thể nhận biết hết được 100% các cuộc gọi nào là của headhunter, nhưng ít ra cô cũng thấy rằng nếu một người nào đó gọi đến công ty và muốn được nói chuyện với kế toán trưởng nhưng lại không biết tên của người mình cần nói chuyện thì đó ắt hẳn là một người “đáng ngờ”. Và như vậy, cần phải nhận được giọng người đó. Thư ký của công ty Pioner 1 thì cho rằng, cô có thể phân biệt được đâu là headhunter, đâu là “nhân viên tín dụng ngân hàng”. Tuy nhiên, phần lớn các thư ký tỏ ra thờ ơ với vấn đề này. Họ ít quan tâm tới việc điều tra nguồn gốc của chủ nhân các cuộc điện thoại. Điểm yếu này của các thư ký đang được các headhunter lợi dụng triệt để. Mặc dù tại Matxcơva đã diễn ra không ít các buổi hội thảo và training về vấn đề này, song các headhunter vẫn không tỏ ra ngại ngùng mà còn cho biết rằng sẽ còn có nhiều “màn kịch” đặc biệt hấp dẫn hơn nữa.
Một vài tháng trước, tại Matxcơva đã diễn ra một scandal giữa công ty “săn đầu người” Abercade với nhà phân phối dược phẩm Protec. Sau khi có ít nhất 10 nhân viên của Protec đầu quân cho công ty khác, giám đốc công ty này phát hiện ra kẻ chuyên “dụ dỗ” nhân viên mình chính là Abercade, và scandal đã nổ ra. Lãnh đạo Abercade đã bị Protec dọa dẫm không phải một vài lần, tuy nhiên, kết thúc vụ hù dọa này lại là một thỏa thuận hòa bình: Protec sẽ sử dụng dịch vụ của Abercade, đổi lại Abercade sẽ “săn” cho Protec các con mồi thượng thặng từ các nơi khác mà không được phép dụ dỗ nhân viên của Protec đi nơi khác.
Dĩ nhiên, trong các vụ scandal nói trên, không nên đổ lỗi cho các headhunter. Khi một nhân viên xuất sắc rời khỏi công ty, nên nhớ rằng 60% trách nhiệm thuộc về công ty – nhà tuyển dụng đó. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhân loại đang chuẩn bị tiến tới nền kinh tế tri thức, việc sử dụng các biện pháp cấm đoán có thể sẽ có tác dụng ngược lại. Biện pháp tốt nhất để giữ chân các nhân viên của mình chính là việc tạo điều kiện thuận lợi, mội trường làm việc tốt để nhân viên có thể hoàn thiện và phát triển kiến thức, kinh nghiệm của mình một cách hiệu quả nhất.
Theo nhansu.com.vn