Quản trị nguồn nhân lực thường có nhiều xung khắc: giữa người trẻ và người già; giữa những người bảo thủ, ngại thay đổi và những người thích áp dụng công nghệ mới; thách thức quyền lợi luôn hiện hữu. Do đó, các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ để dùng đúng người vào đúng chỗ. Đó là nhận xét của ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tại tọa đàm “Quản trị nhân lực” trong bối cảnh hội nhập cuối tuần qua.
Giữ chân nhân tài bằng văn hóa doanh nghiệp
Người lao động trong xu thế hội nhập có nhiều cơ hội việc làm hơn. Họ có thể làm việc tự do, độc lập, tự chủ, đặc biệt đối với những người làm công việc văn phòng, quan điểm “ngày làm việc 8 tiếng” đang dần bị thay thế bởi “làm ít hơn nhưng thu nhập cao hơn”. Với sự phát triển của internet, họ có thể vừa làm việc cho doanh nghiệp, vừa kinh doanh riêng.
Thông qua câu chuyện kinh doanh trên internet, ThS. Xã hội học Trần Minh Trọng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dạy con nên người, đã dẫn chứng mô hình tuyển dụng tài xế Uber với mức thu nhập trên 35 triệu đồng/tháng.
Người tài xế giờ đây có thêm cơ hội việc làm, thoải mái về mặt thời gian, tăng thêm thu nhập và theo tính toán họ có thể hoàn vốn đầu tư xe sau 5 – 7 năm. Có thể nói, người lao động luôn có cơ hội kinh doanh riêng, thậm chí có thể vừa đi du lịch, vừa làm việc, chỉ cần có máy tính, thiết bị di động kết nối internet.
“Chúng ta đã có thiên thời (kỷ nguyên của internet, công nghệ), địa lợi (môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện từng ngày nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ), nhưng làm thế nào để có được nhân hòa?”, ông Trọng đặt câu hỏi và cho rằng chính người chủ doanh nghiệp, tính cách và văn hóa của họ có tác động rất lớn đến việc “tuyển” và “dụng” người lao động.
Bà Lê Thị Giàu – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tân Hưng cho rằng, để có được yếu tố “nhân hòa”, chủ doanh nghiệp phải là người có tâm, biết cách đối nhân xử thế, quản trị doanh nghiệp bằng cái tâm và năng lực thật sự thì mới thu hút được người tài.
Bên cạnh đó, giữ chân nhân tài chỉ bằng mức lương là chưa đủ vì rất có thể đối thủ sẽ trả cho họ mức lương cao hơn. Thay vào đó, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tạo dựng môi trường làm việc đủ sức thu hút và giữ chân họ. Để làm được điều này, người lãnh đạo cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, điều chỉnh bản thân và có cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá người lao động.
Có tài mới dụng được người tài
Hầu như doanh nghiệp nào cũng không dễ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như: Làm thế nào để giải quyết sự xung đột, mâu thuẫn trong doanh nghiệp? Làm sao tạo động lực làm việc cho nhân viên? Đãi ngộ nhân viên thế nào là hợp lý? Làm cách nào để thúc đẩy nhân viên tự học, tự rèn luyện để thích nghi với sự thay đổi? Phải xây dựng chiến lược nhân sự như thế nào để phù hợp với quy mô của doanh nghiệp?…
Theo ông Trọng, có 3 quy luật trong quá trình tuyển dụng nhân sự, gồm: luật hấp dẫn, nghĩa là doanh nghiệp phải xác định họ cần những con người như thế nào để phù hợp với chiến lược kinh doanh; luật nhân quả, doanh nghiệp sẽ có được mọi thứ nếu thực lòng giúp người khác có được những điều họ muốn; luật cân bằng, làm sao để đôi bên cùng có lợi.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu động cơ thúc đẩy người lao động tìm đến với doanh nghiệp, phải có khả năng phát hiện năng lực của họ để có thể bố trí đúng người đúng việc. Bên cạnh đó, phải chứng minh cho họ thấy doanh nghiệp có môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ tốt, họ có cơ hội được đào tạo và phát triển nghề nghiệp trong quá trình làm việc thì họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trí Kiên – Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti), cho rằng: “90% doanh nghiệp thất bại là do nhân cách nhà lãnh đạo. Để đạt được kết quả mong muốn, bản thân chủ doanh nghiệp phải có năng lực quản trị cảm xúc – EQ, phải tạo động lực cho nhân viên sáng tạo, khơi dậy năng lực tiềm ẩn của họ”. Ông Kiên cũng nêu ra 4 yếu tố giúp doanh nghiệp quản trị nguồn lực hiệu quả: quản trị cảm xúc – EQ; làm việc theo nhóm tốt; năng lực chuyên môn – IQ; năng lực tinh thần.
Lãnh đạo doanh nghiệp phải biết mình muốn gì? Muốn nhân sự làm việc gì cho mình? Văn hóa doanh nghiệp sẽ có những giá trị cốt lõi nào? Chủ doanh nghiệp phải là người sáng tạo, nếu không sẽ vô tình cản trở những người sáng tạo.
Theo DNSG