Bóng đá được xem là phương tiện quảng bá hình ảnh hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp (DN). Đó là lý do khiến nhiều thương hiệu lớn như HAGL, Gạch Đồng Tâm, Becamex, Thủy sản Hùng Vương, T&T, FLC… đã đầu tư, tài trợ cho bóng đá.
Từ tài trợ
Trong “mối lương duyên” DN với bóng đá, từ cuối năm 2013, Nutifood đã ký với HAGL một hợp đồng quảng bá thương hiệu trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood cho rằng, theo chân HAGL vào sân chơi bóng đã giúp DN mở rộng sự cộng hưởng về đối ngoại.
Xu hướng này phát triển mạnh trong lĩnh vực ô tô, xe máy. Cụ thể, năm 2013, Công ty Honda Việt Nam đã trở thành nhà tài trợ chính cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và liên tiếp theo đuổi cho đến năm 2015. Trong khi đó, Công ty Toyota Việt Nam lại tài trợ cho Giải bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League) 2 năm liền 2015 – 2016 đồng thời với việc đứng ra tổ chức Giải bóng đá Toyota các câu lạc bộ vô địch quốc gia khu vực sông Mê Kông từ năm 2015 đến nay.
Công ty này còn tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến bóng đá, như “Trại hè bóng đá thiếu niên”, kênh truyền hình thực tế “Khi trái bóng lăn”. Tương tự, liên tục từ năm 2008 đến nay, Công ty Suzuki Việt Nam đã tài trợ cho giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á. Năm 2016, Suzuki Việt Nam còn ủng hộ đội tuyển Việt Nam bằng cách mua vé thi đấu, và đồng thời thực hiện các hoạt động tiếp thị cộng đồng…
Đại diện Công ty Toyota Việt Nam chia sẻ lý do tài trợ cho các hoạt động liên quan đến bóng đá: “Chúng tôi mong muốn thương hiệu Toyota được đông đảo công chúng ở mọi lứa tuổi yêu thích. Và bóng đá không chỉ là môn thể thao được nhiều người ưa thích mà còn có sức hấp dẫn mạnh mẽ và vượt qua mọi biên giới”.
Hiệu quả từ chương trình tài trợ cho bóng đá đã bắt đầu cân đo được. Cụ thể, năm 2013, Nutifood hợp tác với Học viện HAGL Arsenal JMG, tài trợ dinh dưỡng cho đội bóng U19 Việt Nam thi đấu quốc tế, và lúc đội tuyển U19 Việt Nam nổi như cồn thì doanh thu của Nutifood cũng tăng trưởng đến 100% so với năm 2015.
Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo bán hàng Fresh View Francis Hùng chia sẻ, thương vụ đầu tư của Nutifood là thương vụ khá hời. Bởi, chỉ cần xuất hiện trong tất cả các hoạt động của Học viện (từ năm 2013 – 2017) và được dư luận quan tâm trong thời gian này là đã lấy lại vốn.
Đến đào tạo
Học viện HAGL Arsenal JMG được HAGL thành lập cũng từ việc tài trợ cho các giải bóng đá mà DN này đã thực hiện trước đó. Từ năm 2007 đến nay, nhiều khóa đào tạo cầu thủ đã được Học viện thực hiện và những năm qua, bóng đá Việt Nam đã có thêm những cầu thủ xuất sắc như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn.
Hiện tại, các cầu thủ này đang đá cho các câu lạc bộ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL đã nhiều lần tuyên bố không chỉ có lứa cầu thủ này mà sẽ có nhiều tên tuổi mới hay hơn “ra mắt” trong thời gian tới.
Thành công của chương trình này đã giúp HAGL dù “giậm chân tại chỗ” hay phát triển thì người tiêu dùng trong nước vẫn luôn nhắc đến và bóng đá là một mảng đầu tư sinh lời cho Tập đoàn. Có lẽ nhận thấy hiệu quả của chương trình, năm 2015, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã hợp tác với HAGL thành lập Học viện Nutifood HAGL Arsenal JMG tại TP.HCM.
Không tiết lộ khoản đầu tư nhưng theo ông Trần Thanh Hải, đây là con số rất lớn. Trong 7-10 năm nữa, học viện này sẽ cung cấp cho TP.HCM những cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản theo tiêu chuẩn của Câu lạc bộ Arsenal (Anh), điều đang rất thiếu tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Theo các chuyên gia thương hiệu, bóng đá là lĩnh vực kinh doanh và quảng bá hữu hiệu cho nhiều DN. Trên thế giới đã có nhiều DN thành công với bóng đá như tập đoàn xây dựng của Chủ tịch Real Madrid Fernando Perez.
Tập đoàn này làm ăn ngày càng phát đạt cũng nhờ tận dụng lợi thế hình ảnh và quan hệ bóng đá mang lại. “Việt Nam là quốc gia yêu bóng đá, vì thế, các DN quảng bá thông qua kênh này đã nhắm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu”, ông Nguyễn Trung Thẳng – Chủ tịch Masso Group chia sẻ.
Theo DNSG