Trẻ mồ côi ở đỉnh núi Linh Sơn và tấm lòng của người thầy giáo

Thương xót những đứa trẻ người Xê Đăng đã mồ côi lại bị mất nhà cửa, sau nhiều đêm trăn trở, thầy giáo Đường quyết định đưa các em về trường nuôi ăn học.


Những đứa trẻ Xê Đăng trên đỉnh núi Ngọc Linh. Ảnh: Sơn Thủy

Cách đây 3 năm, thầy Lý Văn Đường chuyển về làm hiệu trưởng trường cấp 1 Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam). Những ngày đầu, ông đến từng lớp học, điểm trường và thấy vắng học sinh. Tìm hiểu nguyên nhân, ông có được câu trả lời đáng buồn – các em nghỉ học vì cha mẹ qua đời.

Thầy Đường kể, mỗi năm xã có nhiều người chết do ăn lá ngón, treo cổ tự tử. Người Xê Đăng quan niệm đó là “cái chết xấu” do con ma rừng bắt. Khi một người qua đời thì dân làng kéo đến đập phá, đốt nhà cửa đuổi ma. Những đứa trẻ mất cha mẹ, giờ không còn nhà ở, đành ở cùng ông bà, anh em, cuộc sống rất khốn khổ. Miếng ăn không đủ, việc các em đến trường càng xa vời. 

Chứng kiến những hoàn cảnh ấy, đêm trên đỉnh núi Ngọc Linh lạnh đến tê người vậy mà ông giáo Đường không chợp mắt. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định kêu gọi người dân chặt cây, bứt tranh nứa lá dựng ngôi nhà trong khuôn viên trường. Từ một đứa, đến cả chục đứa trẻ mồ côi được ông đưa về. Nhưng tiền ăn lấy đâu ra? Một câu hỏi lớn mà chưa có lời đáp.

Ông giáo Đường đứng ra vận động thầy cô trong trường, bạn bè và bỏ tiền lương mua đồ ăn cho các em. Áo quần, sách vở ông đi kêu gọi các “mạnh thường quân” giúp đỡ. Từ năm 2013 đến nay, 15 em được thầy đưa về nuôi ăn học.

Thầy Đường nhớ tên từng học sinh, cha mẹ chúng qua đời như thế nào. Như bé đang học mẫu giáo thầy mới đón về là Hồ Thị Ngêu. Năm 2014, cha mẹ của bé ở nóc C72, thôn 7, xã Trà Cang ăn lá ngón, để lại 4 đứa trẻ bơ vơ.

“Không thể cầm lòng được, tôi hỏi 4 đứa bé có theo thầy về trường ăn học không. Tôi vừa dứt câu thì các em gật đầu đồng ý, tôi dẫn 4 bé xuống trường ở. Hiện em Hồ Thị Đáy học lớp 6, Hồ Thị Điểu lớp 4, Hồ Văn Nghéo lớp 2 và Hồ Thị Ngêu học mẫu giáo”, thầy Đường bộc bạch.

Hỏi bé Điều ở đây thế nào, bé đáp: “Cha mẹ chết rồi, ở với ông bà ăn cơm muối ớt khổ lắm. Từ ngày ra trường, con và các em bữa ăn có thịt, có cá. Áo quần có người cho mặc, thầy Đường có gì là cho bọn con hết. Thầy thương bọn con lắm”.

Thầy Đường bảo trước đây chưa có chế độ bán trú của Nhà nước hỗ trợ cho học sinh vùng cao, việc đưa các em về trường chăm sóc rất khó khăn. Nhưng nay, khi có chính sách này, hàng tháng các em có một khoản tiền và gạo nên đỡ vất vả. Nhà ở cho học sinh cũng được Nhà nước làm cho. “Mình thêm người thêm chén, bát đũa, nhưng đổi lại những đứa trẻ mồ côi có được miếng ăn, con chữ. Quan trọng là việc mình cân đối bữa ăn thế nào cho phù hợp”, thầy Đường cho hay.

Thầy Đường và chị em Hồ Thị Điểu, Hồ Thị Ngêu được chăm sóc tại trường. Ảnh: Sơn Thủy.

Mới đây, ở nóc Long Chen, thôn 1, xã Trà Cang, có cặp vợ chồng ăn lá ngón qua đời. Biết tin, ông giáo Đường cuốc bộ 4 tiếng đường rừng vận động ông bà cho các cháu ra trường ăn học. Tuy nhiên, hiện mới đưa được em Hồ Thị Bình học lớp 4, còn em Hồ Văn Nhi học mẫu giáo, ông bà không cho đi.

“Ở trên nóc gia đình nghèo khổ, ăn uống không đầy đủ, tôi đang cố gắng thuyết phục đưa bé Nhi ra đây ở cùng chị. Bữa cơm sẽ được ăn giống như các em nội trú, phần nữa, Nhi đi học thuận lợi hơn nhiều ở trên nóc. Áo quần, chăn màn tôi kêu gọi mọi người giúp đỡ. Chắc sớm thôi, tôi sẽ thuyết phục đưa bé ra bằng được”, Hiệu trưởng Đường nói.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó chủ tịch xã Trà Cang cho biết, xã có 7 thôn với 38 nóc nằm trên dãy núi Ngọc Linh. Toàn xã có 905 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu, toàn người Xê Đăng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. 

“Việc ăn lá ngón, treo cổ rồi dân làng phá nhà cửa đuổi ma chính quyền vận động, tuyên truyền liên tục. Cứ mỗi lần như vậy, bà con nghe xong thì gật đầu, nhưng sau tái diễn. Nhiều lần thậm chí còn dọa sẽ xử phạt nhưng phép vua thua lệ làng. Họ bất chấp thực hiện luật tục kéo theo nhiều hệ lụy”, ông Bằng phân trần.

Theo VNexpress