Gọi yêu thương trở về…

Cả hội trường của Hội Nạn nhân chất độc da cam (TP Đà Nẵng) đang như ong vỡ tổ, các em HS đang đùa giỡn, xô đẩy nhau bỗng lặng người khi xem tiết mục múa do các bạn ở Hội Nạn nhân chất độc da cam trình bày. 


Ảnh minh họa

Một HS nam đã lặng lẽ ngồi gấp chiếc thuyền giấy, kín đáo đến tặng cho người bạn mới quen không may mắn bị phơi nhiễm chất độc da cam…

Đã có nhiều khoảng lặng như thế trong buổi học ngoại khóa của gần 80 HS Tiểu học và THCS do Phòng GD&ĐT Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức. Ngoài giao lưu với các bạn, các anh chị ở Hội Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng, các em HS còn tham quan, giao lưu với các học viên của Trường Giáo dưỡng số 3.

Chuyến đi – như kỳ vọng của cô Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà- là giúp cho HS biết được cách yêu thương, sẻ chia, biết “sợ” để không làm những điều sai, cố gắng hơn nữa trong rèn luyện đạo đức, vươn lên trong học tập.

Chạm vào trái tim của mỗi HS

Có không ít HS đã “tự liên hệ bản thân” khi được nghe chính những người bạn cùng trang lứa đang phải học tập, rèn luyện tại Trường Giáo dưỡng số 3 tâm sự về những nuối tiếc của mình. Vốn trước đây, Đ.N.D cũng là HS một trường THCS trên địa bàn quận Sơn Trà:

“Trước đây, em rất ham chơi, hay trốn học đi cùng bạn bè, không nghe lời thầy cô giáo khuyên bảo. Những lời khuyên đó em đều bỏ ngoài tai, em chỉ nghe lời rủ rê của bạn bè như thúc giục em càng ham chơi hơn, càng nhậu nhẹt nhiều hơn. Kết quả của việc chơi bời đó là em được đưa vào Trường Giáo dưỡng. Ở đây, em phải bắt đầu với cuộc sống mới, sống tự lập, tự mình làm những công việc như mắc màn, giặt đồ, quét nhà… là những việc mà trước đây ba mẹ em thường làm cho”.

Đ.N.D cho biết: “Vào đây, những lúc gặp khó khăn, chuyện buồn, em thường nhớ lại những lời chỉ bảo ân cần và cả những câu la mắng của ba mẹ, thầy cô, nhớ những bữa cơm gia đình ấm cúng, đầy ắp tiếng cười đùa. Nếu cho em một điều ước thì em ước thời gian quay trở lại để em sửa chữa lỗi lầm của mình, để em được ở nhà với gia đình, để tiếp tục được cắp sách đến trường vui chơi với bạn bè.

Em mong rằng, những ai còn đi học, hãy nghĩ đó là may mắn, có thầy cô, bạn bè quan tâm, đừng có những suy nghĩ lười nhác, không trung thực, bỏ bê việc học, không nghe lời thầy cô, cha mẹ sẽ dẫn đến việc bỏ học, tiếp theo là những hành vi phạm pháp”.

Đã có rất nhiều chuyển biến tâm lý sau khi các em HS tận mắt chứng kiến nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập và giao lưu với các học viên của Trường Giáo dưỡng số 3.

Em Lý Hậu (lớp 9, trường THCS Nguyễn Chí Thanh) kể: “Lúc bước chân vào phòng kỷ luật, em thấy ngột ngạt và bức bối. Giờ với những gì được chứng kiến, cảm nhận, em thấy mình vẫn còn may mắn khi còn được đi học, được ba mẹ chăm sóc, lo lắng. Em sẽ cố gắng chăm học hơn để ba mẹ không phải buồn phiền”.

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã nhắn nhủ với các bạn HS và cả học viên của Trường Giáo dưỡng số 3 rằng: “Ngày xưa thì không thể trở lại được, nhưng các em có thể sửa chữa những lỗi lầm của mình ở ngay trong thời điểm này, không cần phải ước mơ ngày xưa trở lại, phải biết đứng lên ở thời điểm hiện tại”.

Với những câu chuyện có thật về những đứa trẻ mê game về lấy tiền của cha mẹ, những đứa trẻ ham chơi làm tổn thương ba mẹ, hay những đứa trẻ chạy theo những giá trị ảo khiến cha mẹ và thầy cô buồn lòng…, thầy Vương còn dẫn dắt các em về những vất vả của một người mẹ cưu mang con trong bụng 9 tháng 10 ngày vất vả như thế nào, khi sinh con phải vượt cửa sinh tử ra sao, và nuôi dưỡng con bất chấp mọi khó khăn, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình cho con…

Thật khéo léo, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương còn hướng dẫn cho HS lối sống tích cực, lành mạnh. Từ chỗ “bắt bệnh” các “bệnh” phổ biến của tuổi teen như nghiện điện thoại, mê chơi game online, đến bệnh “bắt chước” thần tượng, thầy Vương hướng dẫn các bạn biết kiềm chế những cơn nóng giận, biết quý trọng bản thân mình và bạn bè; biết phân biệt thế nào là bạn tốt, bạn xấu, trong những tình huống không thể tự xử lý được thì nên nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn của thầy cô, cha mẹ hoặc bạn bè…

Chuyến đi như một “tour” giáo dục thực tế về đạo đức cho HS về lòng nhân ái, sự sẻ chia, để HS biết điều chỉnh hành vi.

Giá trị từ những giờ học thực tế

Những cô bé, cậu bé ở nhà chẳng mấy khi cầm đến cái chổi, giờ hào hứng bê cả bao gạo chục ký đi phăm phăm vào Hội trường của Hội Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng.

Các em thôi không còn đùa giỡn nhau khi chứng kiến những tiết mục văn nghệ đầy cảm xúc của bạn bè cùng trang lứa không may bị nhiễm chất độc da cam, bị thiểu năng trí tuệ, câm điếc.

Em Nhật Hiếu (HS trường THCS Nguyễn Văn Cừ, Q. Sơn Trà) không giấu khỏi xúc động: “Được giao lưu, nghe kể về những khó khăn của các anh chị và các em, em cảm phục nghị lực và sự vươn lên của các anh chị.

Em thấy mình thật sự rất may mắn khi được lành lặn, càng thấy thương các anh chị và kính trọng các cô chú ở đây đã chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ các bạn bị tật nguyền”. Em Thanh Huy (HS trường THCS Phạm Ngọc Thạch) thì hỏi chúng tôi “ai đã gây nên nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam hả cô? Ba mẹ các bạn đó có còn không mà các bạn phải vào sống ở Trung tâm?”

Rồi Huy trầm tư khi nghe chúng tôi giải thích: “Em thấy mình thật may mắn, may mắn hơn nhiều so với các bạn ở đây”. Em Duy Trung thì lặng lẽ ngồi xếp chiếc thuyền giấy rồi đến tặng cho một bạn khuyết tật nặng, không vận động được, phải ngồi xe lăn khi dự giao lưu với các bạn HS.

Cô Nguyễn Thị Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà – cho biết: “Đây là lần đầu tiên ngành GD&ĐT Sơn Trà tổ chức cho HS giao lưu với hai đơn vị có những nét đặc thù riêng biệt, như là một buổi học ngoại khóa về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.

Hơn cả những lời rao giảng, phê bình, nhắc nhở, chúng tôi hy vọng từ thực tế của chuyến đi, những chia sẻ với thanh thiếu niên hư và cả những cảnh đời không may mắn vì bị nhiễm chất độc da cam, sẽ giúp các em thay đổi cách suy nghĩ cũng như những cảm nhận về cuộc sống, biết sẻ chia, yêu thương, biết “sợ” để không có những hành động lệch chuẩn mà vươn lên trong rèn luyện, học tập”.        

Theo Giáo dục và Thời đại