Khi trẻ đối diện với thất bại
Không phải lúc nào những đứa trẻ cũng được thỏa mãn với mong muốn và mơ ước của chúng. Thậm chí nếu trẻ càng đặt nhiều hy vọng vào những việc mình làm thì khi thất bại chúng lại càng rơi vào trạng thái buồn phiền khó tự mình thoát ra được.
Chị Lan làm kế toán tại Công ty môi trường (Hà Nội) tâm sự: Chị vẫn nhớ mãi cú sốc của con trai trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Là một học sinh giỏi, nên cậu bé luôn đặt ra cho mình mục đích đó là phải thi đỗ bằng được vào một trường chuyên của thành phố. Bởi vậy cậu luôn cố gắng nỗ lực trong học tập.
Ngoài việc học ở trường con chị còn tham gia một số lớp học thêm. Càng gần ngày thi cu cậu càng miệt mài ôn tập. Tuy nhiên, con trai chị lại có một đặc tính là thường hay hấp tấp trong khi làm bài. Thầy cô và bố mẹ nhắc nhở nhưng nhiều khi cháu vẫn lơ là chủ quan. Chính điều này đã khiến cu cậu làm sai cả một bài toán mặc dù không quá khó so với sức học của mình trong kỳ thi vào trường chuyên.
Bởi vậy cháu chỉ đỗ vào một trường công lập mà thôi. Sau khi biết kết quả, con trai chị đã tự giam mình trong phòng kín suốt một tuần liền anh chị đã rất lo lắng. Cũng may nhờ sự động viên an ủi của gia đình và bạn bè mà con trai chị dần dần thoát ra khỏi mặc cảm tự ti và chán nản. Mặt khác cháu tự rút ra bài học là phải cẩn trọng hơn trong tất cả mọi việc làm của mình.
Còn nhiều trường hợp mà các phụ huynh khác tâm sự, con mình chỉ vì không được chọn vào đội văn nghệ hay đơn giản là không được các bạn tín nhiệm bầu vào ban cán sự của lớp cũng khiến chúng thất vọng. Những lúc như thế các con thường rất buồn và còn cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh. Với tình huống như thế người lớn không chỉ động viên mà cần phân tích cho con thấy điều quan trọng là bản thân chúng phải cố gắng để hoàn thiện mình tốt hơn nữa.
Dạy chúng biết tự vươn lên
Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý muốn của mỗi một con người. Tuy nhiên có nhiều phụ huynh khi con thất bại thường tìm cách đổ lỗi vì các lý do khác nhau. Chẳng hạn con thi trượt do năng lực hạn chế nhưng lại bao biện rằng hôm thi con bị ốm hoặc thầy cô dạy không đúng trọng tâm… (nhằm an ủi con cái). Song đây là điều hết sức sai lầm.
Bởi điều này không giúp trẻ nhận ra bản chất của sự thất bại. Thậm chí một số trẻ cũng học được những điều ấy từ người lớn và tự bao biện cho những thất bại của mình. Gặp tình huống như vậy bố mẹ cần phân tích và nên có hình thức phạt cho con. Bởi nếu như con không dũng cảm nhìn nhận mọi việc thì rõ ràng là lần sau chúng sẽ mắc lại những lỗi tương tự như thế.
Theo Tiến sĩ Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cách hành xử của cha mẹ trong mọi tình huống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ ứng xử của con trẻ trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều phụ huynh chứng kiến con thất bại lại đánh đòn, mắng mỏ thái quá là không hợp lý. Hoặc không ít ông bố, bà mẹ lại nói xấu giáo viên ngay trước mặt con chỉ vì bực tức…
Điều này vô hình trung làm đứa trẻ hiểu rằng đó là thái độ đúng đắn, từ đó chúng sao chép và lặp lại khi có điều kiện tương tự. Ngược lại, trong một số trường hợp, cách cư xử khôn khéo và hợp tình hợp lý của cha mẹ sẽ phát huy tác dụng giáo dục tốt, giúp con hiểu được đâu là đúng – sai. Từ đó trẻ sẽ biết cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp với kỳ vọng tốt đẹp của cha mẹ.
“Trẻ con vốn hiếu thắng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí một vài chiến thắng đầu đời có khi đem lại nhiều hệ lụy sau này. Vì thế, dạy con biết cách khiêm nhường và đối diện với thất bại sẽ giúp trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống. Quan trọng hơn hết là trẻ biết rút ra được bài học cho bản thân để đứng dậy và trưởng thành”, Tiến sĩ Thu Hương chỉ rõ.
Theo Giáo dục và Thời đại