Vai trò của hoạt động vui chơi trong giáo dục trẻ mầm non

Trẻ em là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của mỗi dân tộc. “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Chăm sóc và giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chăm lo, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành người hữu ích cho xã hội. Nhưng để trẻ có được một nhân cách toàn diện để trở thành người công dân tốt thì chỉ sự yêu thương chăm sóc thôi là chưa đủ mà cần giáo dục trẻ một cách khoa học và phù hợp. Và trường mầm non chính là môi trường thuận lợi nhất để giáo dục trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.


Ảnh minh họa

Tư duy và sự tập trung ở trẻ mầm non còn rất hạn chế, trẻ không thể tiếp thu các kiến thức một cách bài bản và có hệ thống như trẻ ở phổ thông. Vì thế cần tạo cho trẻ môi trường để trẻ được hoạt động, trải nghiệm, vui chơi, từ đó trẻ có thể tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn. Trẻ học mà chơi, chơi mà học, qua chơi việc học của trẻ trở nên nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao hơn. Đối với trẻ mầm non thì vui chơi có vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ, cụ thể là:
Hoạt động vui chơi ảnh hưởng mạnh đến sự hình thành tính chủ định của các quá trình tâm lý ở trẻ. Trong trò chơi trẻ bắt đầu hình thành chú ý có chủ định và ghi nhớ có chủ định. Bản thân trò chơi buộc trẻ phải tập trung vào một số đối tượng được đưa vào trò chơi và nội dung của chủ đề chơi. Nếu trẻ nào không chú ý và không nhớ được những điều kiện của trò chơi thì nó sẽ hành động lung tung và không được bạn cùng chơi chấp nhận. Cho nên để trò chơi được thành công buộc trẻ phải tập trung chú ý và ghi nhớ có mục đích.
Tình huống chơi và những hành động chơi ảnh hưởng thường xuyên đến sự phát triển của hoạt động trí tuệ đặc biệt là tư duy và trí tưởng tượng của trẻ. Trong hoạt động vui chơi đứa trẻ học thay thế đồ vật này bằng đồ vật khác hoặc hóa thân thành các nhân vật khác nhau. Đó chính là cơ sở để trẻ phát triển trí tưởng tượng. Vui chơi cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tình huống chơi đòi hỏi mọi đứa trẻ tham gia vào trò chơi phải có một trình độ giao tiếp bằng ngôn ngữ nhất định. Nếu đứa trẻ không diễn đạt được mạch lạc nguyện vọng, ý kiến của mình, không hiểu được lời chỉ dẫn hay bàn bạc của bạn cùng chơi thì sẽ không thể tham gia vào trò chơi được.
Bên cạnh đó, vui chơi tác động rất mạnh đến đời sống tình cảm của trẻ. Đứa trẻ lao vào trò chơi với tất cả tinh thần say mê của nó. Trong khi chơi trẻ tỏ ra rất sung sướng và nhiệt tình. Khi phản ánh vào trò chơi những mối quan hệ giữa người với người và nhập vào những mối quan hệ đó thì những biểu hiện cảm xúc của con người sẽ được gợi lên ở trẻ. Trò chơi tác động mạnh đến trẻ em trước hết là vì nó thâm nhập một cách dễ dàng hơn cả vào thế giới tình cảm của chúng mà tình cảm đối với trẻ lại là động cơ hành động mạnh mẽ nhất.
Hoạt động vui chơi không chỉ ảnh hưởng đến sự hình thành tính chủ định, phát triển tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ, tâm lý cũng như đời sống tình cảm mà thông qua trò chơi thì những phẩm chất ý chí của trẻ cũng được hình thành như: Tính mục đích, tính kỷ luật, tính dũng cảm…

Như vậy hoạt động vui chơi ở trẻ mầm non thực sự đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của trẻ. Thông qua vui chơi, hành động chơi với những mối quan hệ bạn bè cùng chơi giúp trẻ tiếp thu những kinh nghiệm xã hội, và mở ra một chặng đường phát triển mới về chất. Đó là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành nhân cách, là phương tiện để phát triển toàn diện nhân cách. Vì thế chúng ta cần thấy được việc tổ chức các trò chơi cho trẻ là cực kì quan trọng và có ý nghĩa giáo dục to lớn. Tổ chức trò chơi chính là tổ chức cuộc sống của trẻ, trò chơi là phương tiện để trẻ học làm người. Giáo viên mầm non cần tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dưới nhiều hình thức khác nhau để việc chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng đạt kết quả tốt hơn.

Theo Pandakids