Mầm non: “Linh hoạt” trong giảm tải

Những năm gần đây, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phải đối mặt với tình trạng quá tải bậc học. Để góp phần giảm tải, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu tích cực mở rộng quy mô trường mầm non công lập. 


Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, hoạt động có hiệu quả của hệ thống trường mầm non tư thục cũng góp phần đáng kể giảm thiểu tình trạng quá tải.

Trường tư thục “chia lửa”

Năm học 2016 – 2017, tình trạng quá tải bậc học mầm non diễn ra gay gắt hơn mọi năm, thậm chí ngay cả những trường vùng sâu, vùng xa như Trường Mầm non Sao Biển, Trường Mầm non Anh Đào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu)… Xuất phát từ việc thiếu trường, thiếu lớp trong khi nhu cầu trẻ đến trường tăng cao, chênh lệch rất lớn, tình trạng này chưa bao giờ thôi giảm, nhất là những trường tuyến huyện, thị.

Theo thống kê của huyện Đông Hải vào đầu năm học 2016 – 2017, có khoảng 340 trẻ chưa được đi học mẫu giáo và nh&aMầm non: “Linh hoạt” trong giảm tảigrave; trẻ trên địa bàn thị trấn Gành Hào. Nguyên nhân được xác định là địa phương thiếu trường, lớp nên chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Đơn cử như Trường Mầm non Sao Biển (thị trấn Gành Hào). Đây là một trường mầm non lớn nhất huyện; năm học 2016 – 2017 có số trẻ được nhận vào gần 600 em nhưng chỉ có 14 phòng học (sĩ số trung bình 41 trẻ/lớp), dẫn đến quá tải số trẻ trên/lớp. Đặc biệt có lớp sĩ số lên đến 46 trẻ (vượt quy định 14 trẻ). Hiện tại, trường đáp ứng nhu cầu học cho trẻ 5 tuổi khoảng 50%, trẻ 4 tuổi hơn 30% và còn lại là trẻ 3 tuổi.

Số trẻ được nhận vào lớp tăng cao, do đó có những trường số trẻ vượt quá quy định. Không đủ phòng học dành cho các cháu, nhiều trường đã nhường phòng làm việc để mở lớp giảng dạy, tận dụng khoảng trống chân cầu thang làm thư viện… Số trẻ đông, thiếu phòng học, thiếu sân chơi cho trẻ, số lượng hạng mục đồ chơi hạn chế không đáp ứng được hết nhu cầu vui chơi cho trẻ…

Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu cho biết: Vừa qua, tỉnh đã có quy hoạch mạng lưới trường lớp, mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp trong đó có bậc học mầm non, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của phụ huynh, thu hút các cháu đến trường… góp phần tháo gỡ khó khăn quá tải bậc học mầm non.

Ngoài hệ thống trường mầm non công lập, trường mầm non tư thục đã và đang phát huy tốt vai trò thu hút trẻ đến trường, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải bậc học mầm non, “chia sẻ” số học sinh với trường mầm non công lập. Riêng tại trung tâm TP Bạc Liêu hiện nay có đến 5 trường mầm non tư thục, nhận dạy khoảng 1.500 trẻ, chiếm khoảng 30% tổng số trường mầm non, mẫu giáo và khoảng 20% số trẻ trên địa bàn thành phố.

Điển hình như Trường Mầm non Tâm Tâm là trường tư thục được thành lập đầu tiên hơn 10 năm về trước. Ban đầu, trường chỉ có một cơ sở, sau thời gian hoạt động có hiệu quả, đến nay trường này đã mở rộng xây dựng thêm cơ sở. Cả hai cơ sở nhận dạy khoảng trên 800 trẻ, thu hút được khoảng 50% số trẻ trên địa bàn thành phố.

Trước hệ thống quá tải bậc học mầm non vì các trường công lập không thể “gánh” nổi thì hệ thống trường mầm non tư thục đa phần phát huy tốt vai trò, thu hút số đông trẻ vào học, dần tạo được niềm tin với phụ huynh. Nhiều trường đã mở rộng quy mô để đáp ứng tốt nhu cầu đưa trẻ đến trường, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt chú trọng thực hiện các khâu chăm sóc, giáo dục cho trẻ tốt nhất, đầu tư thêm nhiều hạng mục đồ dùng học tập cho trẻ ngày càng phong phú, đa dạng.

Cần cơ chế để phát triển

Sau những năm tháng hình thành và phát triển tại địa phương, nhiều trường mầm non tư thục ở tỉnh Bạc Liêu đã gặt hái những thành công nhất định. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến diện tích trường lớp và học phí luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường và phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hảo – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tâm Nhi (phường 7, TP Bạc Liêu) – cho biết: “Hạn chế trong việc thu hút trẻ của những trường vùng sâu, vùng xa có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân là học phí còn cao so với trường mầm non công lập. Các trường tư thục này cũng chưa tạo được niềm tin đối với phụ huynh. Không thu hút được nhiều trẻ, các nhà đầu tư còn ngần ngại mở rộng phát triển xây dựng thêm cơ sở hoạt động…”.

Bên cạnh đó, các trường mầm non tư thục cũng đang gặp khó khi hệ thống sân chơi cho trẻ không được rộng rãi, quỹ đất phát triển, quy mô xây dựng cơ sở vật chất còn nhỏ hẹp. Có trường phải thành lập cơ sở mới để đáp ứng nhu cầu của trẻ, cũng vì lý do này mà trường học bị “phân nhánh” gây bất tiện cho khâu quản lí, kiểm tra.

Ông Nguyễn Kim Trung – Quản lí Trường Mầm non tư thục Thúy An (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu) – cho biết: Trường mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu. Tuy nhiên số trẻ đến tuổi đi học trên địa bàn thị trấn chưa được huy động tối đa, phần nhiều phụ thuộc vào kinh tế của người dân. Vì vậy nên trường tư thục vẫn chưa có nhiều cơ hội để phát triển mở rộng quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu.

Trước nhu cầu gửi trẻ bậc học mầm non, trong khi hệ thống trường lớp công lập chưa thể đáp ứng hết thì tạo điều kiện để phát triển trường mầm non ngoài công lập là giải pháp hết sức cần thiết. Các cấp, đặc biệt là Sở, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm hơn nữa nhằm từng bước giúp cho hệ thống giáo dục mầm non tư thục phát triển lành mạnh cả về chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng đưa trẻ đến trường của phụ huynh, góp phần giảm tải cho hệ thống trường mầm non công lập…

Sở GD&ĐT Bạc Liêu cho biết: Sở vừa có quy hoạch mạng lưới trường lớp do quy mô học sinh tăng, vừa qua đã được HĐND tỉnh phê duyệt với mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này dành cho các cấp học, trong đó có mầm non. Với mục đích thu hút học sinh và tạo điều kiện tốt hơn nữa để trẻ đến trường, tùy theo nguồn lực, hằng năm tỉnh bố trí và tiến hành đầu tư theo lộ trình

Theo Giáo dục và Thời đại