Lại phân vân mô hình 1.10 và 10.10

Ngày nay, phần lớn các Doanh nghiệp trong nước đang hoạt động dựa trên mô hình quản trị 1.10 – tức là người chủ sở hữu đồng thời cũng là nhà quản lý (hay còn gọi là mô hình quản trị kiểu gia đình). Lý do vì sao đa số vẫn thường áp dụng mô hình quản trị 1.10 và làm cách nào để chuyển dần sang mô hình quản trị 10.10 như đa số các Doanh nghiệp nước ngoài thường áp dụng? Câu trả lời không đơn giản chỉ nằm trong việc “thay đổi cơ cấu hay hệ thống”

Theo khảo sát gần đây của VNR, các Doanh nghiệp thành công tại Việt Nam vận hành trên mô hình quản trị 1-10 chiếm tỷ lệ khá lớn. Khoảng 80% doanh nghiệp thuộc Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của công ty.

Khó khăn từ mô hình quản trị 1.10
Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước nay đã có nhiều cơ hội hơn để cùng làm việc với các đối tác nước ngoài. Chúng ta dần nhận ra những khác biệt, điểm mạnh cũng như điểm yếu trong từng tổ chức, đó chính là những bài học quý giá từ thực tế về cách thức quản trị doanh nghiệp mà Doanh nghiệp các nước đang áp dụng.
Đa số doanh nghiệp trên thế giới sử dụng mô hình quản trị 10.10 vì họ đánh giá cao và xem trọng sự đóng góp của cá nhân vào sự thành công của tổ chức. Cho dù là cá thể, quy mô nhỏ -vừa hoặc lớn, họ đều áp dụng nguyên tắc này ngoại trừ một số nhỏ cá biệt nào đó vẫn vận hành theo mô hình quản trị 1.10 vì không có gì là tuyệt đối. Điều này có thể do ảnh hưởng nếp văn hóa từ gia đình đến xã hội, học đường v.v.
Với mô hình quản trị 1.10 theo lối gia đình, các Doanh nghiệp đang dần gặp phải những khó khăn nhất định vì không thể đảm nhiệm hết tất cả công việc gia tăng từng ngày theo sự phát triển và mở rộng quy mô của Doanh nghiệp. Họ không những phải đảm nhiệm từ việc định hướng chiến lược phát triển cho công ty, mà còn kiêm nhiệm luôn công tác điều hành, giám sát thực thi.
Song song với cách thức quản lý tập trung quyền lực trên, nhân viên sẽ không được rèn luyện nhiều để phát huy tính chủ động trong công việc: Ít phát biểu, bảo sao làm vậy, có sếp thì làm, thiếu sáng tạo, không hoạch định. Từng cấp nhân viên và quản lý, từ cao đến thấp đều không được phân quyền rõ ràng để thực hiện việc nên làm. Vì thế, Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình mở rộng kinh doanh.
Thay đổi là xu hướng tất yếu
Hiện nay, chúng ta đã có nhiều hơn những cơ hội tham gia các hoạt động giao lưu hội thảo nhằm hướng tới việc hoàn thiện cách quản trị doanh nghiệp. Đơn cử như các hội thảo về quản trị doanh nghiệp, cũng như bàn tròn doanh nhân thường được các Hiệp hội Doanh nhân, Tổ chức Doanh nghiệp tổ chức…
Hòa vào sự phát triển chung của thế giới, các Doanh nhân đã có thể tiếp cận được tri thức toàn cầu thông qua nhiều phương tiện hiệu quả trên Internet. Họ dần nhận ra việc thay đổi mô hình quản trị là xu hướng tất yếu, là điều kiện cần cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Nhiều Doanh nghiệp trong nước đang dần tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền điều hành trong công ty, cụ thể tách biệt vai trò và trách nhiệm giữa Chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành. Các ông chủ giờ đây có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho việc hoạch định chiến lược, hoạt động cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của tổ chức. Công tác điều hành thực thi được chuyển giao hoàn toàn cho ban điều hành hành bên dưới bao gồm Giám đốc điều hành và các Giám đốc phòng ban.
Thời gian gần đây, một trong những sự kiện chuyển giao quan trọng được xã hội quan tâm là việc chuyển giao quyền lực tại một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong nước. Với việc tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm giữa Chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành, giờ đây vị chủ tịch của tập đoàn trên sẽ có nhiều thời gian hơn tập trung vào việc phát triển chiến lược cũng như công tác nhân sự cao cấp tại tập đoàn. Và ban lãnh đạo mới có thể phát huy tối đa khả năng trong việc thực thi các chiến lược đã được đề ra.
Chuyển đổi sang mô hình quản trị 10.10 như thế nào?
Để chuyển dần sang mô hình quản trị 10.10, các Doanh nghiệp cần phải tự thay đổi trước tiên bằng cách học tập và tiếp cận mô hình này, nhằm hiểu mặt mạnh và yếu của nó để so với hiện trạng thực tại của công ty bao gồm : Nguồn lựa tài chánh, nguồn lực nhân sự, nguồn lực thị trường, mô hình văn hoá quản trị của Doanh nghiệp .v.v.
Đồng thời, chúng ta cũng cần đánh giá và xác định các mặt cần thay đổi trước khi chuyển sang mô hình 10.10. Việc thay đổi không đơn giản chỉ là thay một cơ cấu hay hệ thống mà còn phụ thuộc vào con người trong hệ thống mới đó có đủ năng lực để thực hành hay không. Nếu không như vậy thì chỉ là một vỏ bọc bên ngoài còn bên trong thì vẫn là 1.10. Đây cũng chính là hiện trạng của nhiều doanh nghiệp nếu chỉ nhìn phác thảo trên sơ đồ tổ chức.
Ngoài ra, chủ sở hữu Doanh nghiệp cần giao quyền cùng với sự tin cậy vào khả năng người được trao quyền tự quyết. Tuy nhiên, để việc giao quyền được thực thi tốt, Doanh nghiệp cần quan tâm đến rất nhiều yếu tố phải xem xét chứ không phải “nhắm mắt” mà giao. Ví dụ như Doanh nghiệp cần phải nắm được giao quyền như thế nào, hiểu thật rõ người được giao quyền (Tính cách, Tầm nhìn, Năng lực …). Việc hiểu không phải chỉ trên giấy tờ, mà cần phải qua một quá trình tiếp xúc và trao đổi để có thể hiểu rõ về đối tượng sẽ được giao quyền. Nếu đối tượng hiện tại vẫn chưa đủ khả năng, Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch giao quyền theo từng giai đoạn rõ ràng trước khi hoàn toàn giao hết quyền tự quyết cho đối tượng. Chính vì thế, người giao quyền phải rất tinh tế, hiểu rõ khả năng người được giao quyền và từng bước giao quyền cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần phải được đào tạo lại kỹ hơn về phương thức điều hành mới mà bản thân họ phải thấm nhuần trước để tự thay đổi. Nhân viên cũng cần phải được đào tạo những kỹ năng mềm có chiều sâu ngoài công việc chuyên môn, phát huy sáng tạo, giao tiếp, tiên liệu tình huống, đóng góp ý kiến phản hồi v.v.
Để thay đổi và vận dụng thành công nguyên tắc quản trị 10.10, các cấp lãnh đạo cần có cái nhìn rộng hơn, tư duy khác hơn vì khi xưa có thể đã từng chỉ trích ý kiến hay hành động mà họ cho là không đúng đó. 

Theo Saga